Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Phát huy thành tựu, linh hoạt, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:46 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ năm 2022. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bứt phá giữa khó khăn

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, thậm chí nhiều chỉ tiêu cao hơn năm 2020 dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp “chưa từng có tiền lệ”, đặc biệt là các hoạt động đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tiền đề quan trọng cho thành công đó chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp, đồng hành của các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đơn cử như trong điều kiện rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng cả nước vẫn có hơn 16,547 triệu người tham gia BHXH, tăng 2,2% so với năm 2020 (đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi); gần 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 0,4% so với năm 2020 (đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi); hơn 88,8 triệu người tham gia BHYT, tăng 0,9% so với năm 2020 (đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, là một trong 7 chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ hoàn thành năm 2021).

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện là một trong những điểm sáng của ngành, khi cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi - cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Để thực hiện gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP - gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay (38.000 tỷ đồng), toàn ngành phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, hoàn thành chi trả trước thời hạn.

Thành tựu nổi bật nữa là công tác chuyển đổi số của ngành cũng có bước chuyển mình quan trọng như hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đã được tích hợp, chia sẻ với các cơ quan, đặc biệt phục vụ tích cực cho công tác phòng, chống dịch. Ứng dụng VssID - BHXH số đã có gần 30 triệu người cài đặt và sử dụng; bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) xuống chỉ còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Ba cho BHXH Việt Nam

Bảo đảm quyền lợi người dân

Nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên của ngành trong giai đoạn dịch bệnh là “đảm bảo đầy đủ, phục vụ kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ngành BHXH Việt Nam đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết và chi trả các chế độ. Cụ thể như chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả tại nhà; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP).

Nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ triển khai, đã bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản...

Đáng chú ý, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch điện tử; xây dựng 141 tiêu chí rủi ro trong quản lý điều hành; kiểm soát chặt chẽ, chống lạm dụng, trục lợi quỹ qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của ngành; triển khai ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh, giúp giảm thời gian chờ đợi, người bệnh không cần mang theo thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh...

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT tại các bệnh viện thuộc khu vực cách ly y tế, bệnh viện dã chiến; thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ công tác khám, chữa bệnh, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng; tổ chức kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương…

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, kết quả đạt được trong năm 2021 và những năm qua là cơ sở để toàn ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022. Ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung cao độ, nỗ lực và hành động quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền trách nhiệm; thống nhất quan điểm chỉ đạo “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, với phương châm hành động trong toàn ngành là “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”.

Tại Hội nghị, BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua năm 2022 của ngành, với chủ đề “Công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH Việt Nam đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực hành động, linh hoạt, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022”.

 

 

Hà Thủy