Bảo vệ môi trường nông thôn:

Phát huy mô hình cộng đồng dân cư tự quản

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 20:30 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò “Trung trâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới” đã cùng với hệ thống chính trị và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng thực hiện. Trong đó, để bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian qua các cấp hội nông dân đã có rất nhiều mô hình được triển khai thực hiện. Một trong những mô hình được triển khai và phát huy là mô hình tự quản bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
Mô hình tự quản bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư đã được nhiều nơi hưởng ứng
Mô hình tự quản bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư đã được nhiều nơi hưởng ứng

Từ mô hình tự nguyện, tự giác

Mô hình tự quản do cộng đồng dân cư tự nguyện, tự giác xây dựng để huy động mọi người dân tham gia bảo vệ môi trường được vận hành theo nguyên tắc xã hội hóa cao. Bởi mô hình được vận hành hoạt động là do cộng đồng và vì cộng đồng. Theo đó, cộng đồng tự chủ về tài chính, nhân lực và cơ chế hoạt động.

Trên cơ sở ba tiêu chí, mô hình cộng đồng dân cư tự quản đã được phát triển rộng rãi. Trong đó, mọi cộng đồng dân cư, nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi, biên giới và hải đảo, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số đều có thể xây dựng mô hình tự quản. Đồng thời, mô hình tự quản được các đoàn thể nhân dân và các tôn giáo hưởng ứng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liện hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các chùa, các sứ đạo…. Bên cạnh đó, mô hình cộng đồng dân cư tự quản huy động được các chủ thể xã hội tham gia là các gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị dịch vụ, các lực lượng vũ trang và các tôn giáo. Cùng với đó, mô hình cộng đồng dân cư tự quản huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia từ trẻ em, thanh niên và người cao tuổi; nam giới và nữ giới; công chức, viên chức và công nhân; học sinh và sinh viên, chiến sỹ của lực lượng vũ trang.

Chính vì sự tham gia có hiệu quả của đông đảo cộng đồng dân cư tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ môi trường nên thời gian tới các cấp hội tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Theo đó, mô hình sẽ đẩy mạnh thực hiện quy trình: khảo sát tìm địa điểm và nội dung xây dựng mô hình tự quản; Xây dựng dự thảo dự án: tên, địa điểm, đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp, thời gian xây dựng, mục đích, giải pháp huy động cộng đồng dân cư tham gia, khó khăn và rủi ro có thể gặp phải, nguồn lực thực hiện, tiêu chí xây dựng và đánh giá, gồm mô hình giải quyết vấn đề gì về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn; kết quả thu được; huy động người dân tham gia; duy trì và nhân rộng mô hình;  Họp cộng đồng dân cư góp ý; Tổng hợp ý kiến và chỉnh sửa dự án; Theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.

Đến mô hình các dịch vụ bảo vệ môi trường

Nhiều hội viên nông dân tự giác thu gom rác thải để bảo vệ môi trường
Nhiều hội viên nông dân tự giác thu gom rác thải để bảo vệ môi trường

Cùng với việc xây dựng và triển khai mô hình tự nguyện, tự giác thì các dịch vụ bảo vệ môi trường cũng đã được đẩy mạnh phát triển ở nhiều cộng đồng dân cư và có ý nghĩa thiết thực trong việc giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc ở địa phương. Dich vụ tham gia bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn phong phú và đa dạng như hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty cổ phần, công ty TNHH, đơn vị tư vấn,…Nhiều cấp bộ Hội Nông dân cũng đã dùng hình thức tín chấp để hỗ trợ tập thể và cá nhân đứng tên thành lập đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn. Hình thức dùng uy tín chính trị và xã hội của tổ chức hỗ trợ tập thể và cá nhân xây dựng dự án, vay vốn tín dụng, kết nối giữa đơn vị dịch vụ với ngân hàng, nhà khoa học khá hiệu quả.

Các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn có lĩnh vực hoạt động đa dạng đáp ứng với nhiệm vụ  ở cơ sở và cộng đồng dân cư. Dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Chính sự tham gia của các cấp của Hội Nông dân trong xây dựng và phát triển loại hình dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn đã làm chỗ dựa về tinh thần cho các đơn vị. Từ đó, làm đầu mối đề xuất và thực hiện chính sách của Nhà nước hỗ trợ các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn cũng như hỗ trợ các đơn vị dịch vụ kết nối và phối hợp hoạt động giữa các đơn vị...

Phát huy hiệu quả đã xây dựng được từ mô hình dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp của Hội Nông dân tiếp tục thực hiện các giải pháp đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước: nghiên cứu đánh giá mô hình dịch vụ bảo vệ môi trường và đề xuất giải pháp nhân rộng; ban hành chính sách khuyến khích các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn  về giảm thuế, thuê đất, nhà, công nghệ và hỗ trợ về vốn để đầu tư công nghệ tiên tiến; xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đơn vị dịch vụ với nhau, giữa các đơn vị dịch vụ với ngân hàng và các đơn vị nghiên cứu.

Bảo Ngân