Pháp luật về tình trạng khẩn cấp y tế

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 05:01 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, nhiều ĐBQH đề nghị hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong “tình trạng khẩn cấp”. Đặc biệt, nghị quyết chung của Kỳ họp đã giao Chính phủ “khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung”.

Như đa số các nước, để ứng phó với Covid - 19 và các loại đại dịch, Việt Nam cần sửa đổi hoặc ban hành mới rất nhiều luật và văn bản dưới luật về nhiều vấn đề khác nhau. Có thể xếp các vấn đề đó thành những nhóm sau: các biện pháp hạn chế (như cách ly, cấm/hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, cửa hàng, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người); các biện pháp hỗ trợ về tài chính như đấu thầu, miễn, giảm thuế, cạnh tranh (nới lỏng các điều kiện, giảm các thủ tục hành chính); các biện pháp y tế như xét nghiệm, truy vết, điều trị, tiêm vaccine; các biện pháp hỗ trợ về xã hội, việc làm như trợ cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gặp khó khăn trong đại dịch.

Trong số các nội dung, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, tạo cơ sở nền tảng thống nhất để tránh tình trạng chia cắt, phân mảnh như khá nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ trung ương cần được trao thẩm quyền mạnh để có thể ứng phó nhanh, linh hoạt, tập trung, kiểm soát tình hình trên cả nước và bảo đảm sự thực hiện thống nhất ở tất cả các địa phương. Bên cạnh đó, cần kèm theo những quy định kiểm tra, giám sát để kiểm soát, phòng ngừa những hành động trái quy định.

Đặc biệt, các luật cần quy định rõ ràng, cụ thể, trong trường hợp nào thì áp dụng biện pháp ở cấp độ nào. Chẳng hạn, lúc nào chỉ cần công bố dịch ở từng tỉnh, theo khu vực, trên toàn quốc; lúc nào ban bố tình trạng khẩn cấp ở một tỉnh, theo khu vực, trên toàn quốc; thẩm quyền áp dụng các biện pháp đó trong từng trường hợp cụ thể. Điều này nhằm tránh tình trạng như thời gian qua, có những tỉnh chỉ có một hoặc vài ca F0 đã áp dụng giãn cách toàn xã hội, không cần thiết nhưng kéo theo chi phí lớn cho tất cả các bên. Quy định như vậy cũng làm rõ, chính quyền trung ương hay cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng biện pháp cấm người dân ra đường sau 18h đến 6h sáng hôm sau ở địa bàn một tỉnh/thành.

Phần lớn nội dung nói trên có thể được điều chỉnh trong đạo luật tạm gọi là Luật Tình trạng khẩn cấp về y tế. Trong đó, một số nội dung khó có thể được điều chỉnh cụ thể trong Luật này. Tuy nhiên, Luật vẫn nên quy định tổng quát về các nội dung đó, để khi cần thiết, các cơ quan Nhà nước có căn cứ để quy định các biện pháp thích hợp tùy theo bối cảnh. Các nội dung khác không thuộc Luật về tình trạng khẩn cấp về y tế cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo phương thức một luật sửa nhiều luật như một số ĐBQH, chuyên gia đã đề xuất.

Ở rất nhiều nước, tình trạng khẩn cấp về y tế chỉ được áp dụng trong thời hạn nhất định. Nước ta cũng có thể quy định như vậy. Chẳng hạn, phần lớn quy định của Luật Coronavirus năm 2020 của Anh sẽ hết hiệu lực sau 2 năm và có thể được gia hạn thêm 6 tháng một hoặc được rút ngắn tùy tình hình. Luật Tình trạng khẩn cấp ứng phó với đại dịch Covid - 19 của Pháp ban đầu chỉ quy định tình trạng khẩn cấp trong 2 tháng, sau đó đã gia hạn thêm. Theo Luật Coronavirus năm 2020 của Scotland, hầu hết các quy định của Luật chỉ có hiệu lực trong 6 tháng; sau đó Quốc hội Scotland có thể xem xét, biểu quyết gia hạn thêm tối đa 2 lần, mỗi lần 6 tháng.

Nguyễn Đức Lam