Yêu cầu cam kết không mang thai khi ký hợp đồng lao động

Tổ chức công đoàn cơ sở ở đâu?

- Thứ Hai, 04/07/2022, 06:14 - Chia sẻ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài việc yêu cầu phải đáp ứng những điều kiện cơ bản của công việc như: trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe…, thì lao động nữ còn phải cam kết không mang thai hoặc sinh con trong những năm đầu của quá trình làm việc. 

Cam  kết... không được mang thai

Được tuyển dụng vào một bệnh viện tư nhân X ở Nghệ An, chị Đồng Thị Huyền (Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An) đã ký hợp đồng lao động với điều kiện cam kết 2 năm đầu không được mang thai. “Qua tìm hiểu từ những người đi trước nên tôi cũng biết về yêu cầu cam kết không mang thai trong những năm đầu làm việc của bệnh viện, nghe thì hết sức vô lý nhưng, để tìm được một công việc đúng chuyên ngành cũng đâu có dễ, nhất là những người vừa mới ra trường được mấy năm như tôi kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Em có con rồi nên việc yêu cầu cam kết như thế này cũng không thành vấn đề nhưng chỉ đối với những bạn mới lập gia đình thì  rất  băn khoăn, nhất tình trạng hiếm muộn bây giờ ngày càng nhiều” chị Huyền chia sẻ.

Lao động nữ được quyền quyết định thời điểm mang thai (Nguồn:ITN)
Lao động nữ được quyền quyết định thời điểm mang thai. Nguồn: ITN

Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "quyết định thời gian và khoảng cách sinh con" trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cùng cảnh ngộ với chị Huyền, chị Võ Thị Hà (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho  biết, “Tôi hiện đang làm việc ở một công ty về may mặc ở Khu công nghiệp Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khi mới vào làm, tôi cũng được yêu cầu cam kết 2 năm đầu không được mang thai. Khi thấy tôi thắc mắc về vấn đề này, đại  diện doanh nghiệp giải thích, mất công đào tạo đến khi vừa quen việc nếu tôi mang thai rồi nghỉ sinh sẽ ảnh hưởng đến công việc cũng như kế hoạch của công ty. Vậy nhưng hết thời gian cam kết hơn 1 năm vợ chồng tôi vẫn chưa có tin vui, thật sự rất lo lắng.”.

Đứng từ góc độ y tế, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lợi, Phụ trách Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm y tế TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay, theo khuyến cáo độ tuổi thích hợp để sinh sản đối với phụ nữ là từ 20 - 30 tuổi. Người phụ nữ càng lớn tuổi thì chất lượng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng khi chất lượng tử cung, chất lượng trứng sẽ kém dần đi không thuận lợi cho việc trứng làm tổ dẫn đến tỷ lệ mang thai thấp. Đáng lưu ý, việc sử dụng các biện pháp tránh thai trong một thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng hiếm muộn.

Cam kết không có giá trị pháp lý

Hiện nay, lao động nữ khi mang thai là đối tượng được pháp luật lao động bảo vệ đi kèm với những chế độ đãi ngộ và nhiều chính sách ưu tiên khác. Tuy nhiên, thực tế việc lao động nữ mang thai cũng phần nào ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khi chi phí bỏ ra để tuyển dụng và đào tạo nhân sự là rất lớn. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc có không ít doanh nghiệp khi tuyển dụng thường yêu cầu người lao động ký cam kết không mang thai hoặc sinh con trong những năm đầu làm việc.

Điều 13, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên theo nguyên tắc tự nguyện, không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 137, Bộ luật Lao động cũng đã quy định về việc “người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì những lý do Kết hôn; Mang thai; Nghỉ thai sản; Nuôi con dưới 12 tháng tuổi…”.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, người sử dụng lao động không có quyền thỏa thuận về vấn đề không mang thai trong thời gian đầu làm việc khi ký kết hợp đồng lao động với lao động nữ. Trường hợp người lao động mặc dù đã có thỏa thuận trong hợp đồng thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ với lý do mang thai. Bởi lẽ, bản cam kết này không có giá trị pháp lý.

“Khoản 2, Điều 27, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi... Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đồng thời, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách nhận người lao động trở lại làm việc” Luật sư Vân nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc người sử dụng lao động yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai trong thời gian đầu làm việc đã can thiệp, cản trở quyền tự do quyết định thời điểm sinh con của cá nhân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy vậy, cho đến nay đây vẫn là "thoả  thuận  ngầm"  giữa  người  lao  động  và  chủ  sử  dụng  lao  động. Người  lao động vì cuộc sống mưu sinh, vì nhu cầu việc làm mà phải chấp nhận cam kết; người  sử  dụng lao động vì lợi ích của doanh nghiệp... mà làm bừa. Điều đáng quan tâm, "thỏa thuận ngầm" này xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, ở các môi trường công  việc khác nhau nhưng chưa thấy cơ quan chức năng cũng như đại diện công đoàn, cũng như đại diện phụ nữ lên tiếng. Câu hỏi đặt ra ở đây là đại diện công  đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ở đâu trong những cam kết này?

Thái Yến - Nguyễn Ngân