Quy định về đồ vật được phép mang lên máy bay?

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 08:15 - Chia sẻ

Gần đây, nhiều trường hợp bị bắt vì mang chất cấm lên máy bay. Xin hỏi, quy định về các đồ vật được phép mang lên máy bay gồm những gì? Nêm làm gì nếu có người đi cùng chuyến bay nhờ mang hộ đồ? (Câu hỏi của bạn Tiến Dũng – Hà Tĩnh)

Quy định về đồ vật được phép mang lên máy bay? -0
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Luật sư Trần Thị Khánh Hương (Đoàn Luật sư T. Hà Nội) trả lời như sau:

Theo quy định tại Danh mục vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay được nêu trong Quyết định số 1541/QĐ-CHK ngày 14.9.2021 của Cục Hàng không Việt Nam được chia thành các mục: dụng cụ y tế thiết yếu; dụng cụ trang điểm, đồ vệ sinh cá nhân và các vật dụng khác.

Dụng cụ y tế thiết yếu

Dụng cụ y tế thiết yếu gồm các vật phẩm: bình khí ô xy hoặc bình khí nhỏ sử dụng trong y tế; bình khí ga theo quy định tại Nhóm 2.2 của Doc 9284 dùng cho chân, tay giả cơ khí; các loại thuốc y tế không có chất phóng xạ ( gồm cả bình xịt); máy tạo nhịp tim đồng vị phóng xạ hoặc các thiết bị y tế khác cấy trong cơ thể; xe lăn chạy bằng pin hoặc các thiết bị hỗ trợ di chuyển tương tự khác dành cho hành khách bị hạn chế khả năng di chuyển do khuyết tật, sức khỏe, tuổi tác hoặc tai nạn; các thiết bị điện tử y tế cầm tay; nhiệt kế hoặc dụng cụ đo nhiệt độ y tế loại nhỏ chứa thủy ngân...

 Dụng cụ trang điểm, đồ vệ sinh cá nhân

 Đối với đồ trang điểm, vệ sinh cá nhân (đồ trang điểm, keo xịt tóc, nước hoa…) được phép mang trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay, mang theo người (chất lỏng và dung dịch xịt). Đối với mỗi loại được phép mang không quá 0,5 kg hoặc thể tích hoặc thể tích không quá 0,5 lít. Bình xịt có van xả phải được bảo vệ bằng nắp chụp hoặc biện pháp phù hợp để khí không bị rò rỉ.

Mỗi người được mang một máy uốn tóc có chứa khí hydrocacbon, bộ phận sinh nhiệt của máy phải có nắp chụp an toàn bảo vệ. Bình khí dự phòng dành cho loại máy uốn tóc loại này không được phép vận chuyển.

 Các đồ vật khác

Đối với đồ uống có cồn được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện từ 24% nồng độ cồn trở xuống thì không bị hạn chế. Từ trên 24% đến 70% nồng độ cồn phải được đựng trong bình chứa của nhà sản xuất, còn nguyên niêm phong, nhãn mác, dung tích không quá 5 lít, mỗi hành khách mang không quá 5 lít. Không được phép mang trong người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi đối với loại trên 70% nồng độ cồn.

Đối với bình xịt không độc hại, không dễ cháy dùng trong thể thao hoặc gia đình chỉ được phép mang trong hành lý ký gửi. Đối với mỗi loại, trọng lượng/khối lượng không quá 0,5kg hoặc 0,5 lít. Bình xịt có van xả và được bảo vệ bằng nắp chụp hoặc biện pháp phù hợp để không bị rò rỉ khí.

Đối với diêm, bật lửa: bao diêm an toàn loại nhỏ, bật lửa nhỏ (loại dùng để hút thuốc), bật lửa hỗn hợp dạng đèn hàn, đèn khốc nắp chụp bảo vệ ngăn sự kích hoạt vô ý được phép mang trong người 1 chiếc, chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân với điều kiện không chứa nhiên liệu lỏng chưa được thẩm thấu  (trừ khí hóa lỏng).

Thiết bị sử dụng pin sinh nhiệt cao, có thể tạo lửa nếu được kích hoạt (ví dụ như đèn dùng dưới nước cường độ cao) được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện: bộ phận sinh nhiệt và pin phải được tách khỏi nhau bằng cách tháo rời bộ phận sinh nhiệt, pin hoặc cầu chì; mỗi viên pin dự phòng phải được bảo vệ để chống đoản mạch bằng cách đóng gói như khi mới mua hoặc cách điện các đầu cực, ví dụ như dán băng dính các đầu cực lộ thiên hoặc để từng viên pin trong hộp nhựa hoặc túi bảo vệ. 

Đối với đồ vật là ba lô cứu hộ tuyết lở có bình xi-lanh chứa khí nén thuộc nhóm 2.2, không độc, không dễ cháy được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay. Mỗi người chỉ được mang 1 ba lô. Ba lô có thể là loại sử dụng cơ chế kích hoạt bằng thuốc nổ nhưng không được phép chứa quá 200g chất nổ thuộc nhóm 1.4S. Ba lô phải được đóng gói để đảm bảo không tự kích hoạt ngoài ý muốn; túi khí trong ba lô phải được gắn van xả áp suất.

Hộp nổ nhỏ gắn trong thiết bị an toàn cá nhân tự làm phồng như áo phao hoặc phao cứu hộ được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay. Mỗi hành khách được mang không quá một thiết bị an toàn cá nhân. Thiết bị an toàn cá nhân phải được đóng gói để đảm bảo không tự kích hoạt ngoài ý muốn. Khí ga trong thiết bị an toàn cá nhân phải là khí CO2 hoặc khí không độc, không dễ cháy. Hộp nổ chỉ dùng cho mục đích làm phồng thiết bị các nhân. Chỉ cho phép 2 hộp nổ nhỏ trong mỗi thiết bị an toàn cá nhân và vận chuyển không quá 2 hộp nổ nhỏ dự phòng.

Hộp nổ nhỏ cho các thiết bị khác được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện sức chứa nước của mỗi hộp nổ nhỏ không được vượt quá 50ml. Hộp nổ nhỏ có sức chứa nước 50ml tương đương với 28g khí CO2. mỗi hành khách được mang không quá bốn hộp nổ nhỏ chứa khí CO2 hoặc khí không độc, không dễ cháy.

Thiết bị điện tử cầm tay dùng để hút thuốc chạy bằng pin, bao gồm thuốc lá điện tử, xì gà điện tử, tẩu điện tử hoặc các thiết bị tương tự được phép mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi và chỉ được mang cho nhu cầu sử dụng cá nhân. Khuyến khích mang trong hành lý xách tay.

Pin nhiên liệu dùng cho thiết bị điện tử cầm tay như máy ảnh, điện thoại di động, máy tính xách tay, máy quay video được phép mang theo người, hành lý xách tay với điều kiện hộp pin nhiên liệu có chứa chất lỏng dễ cháy, chất ăn mòn, khí hóa lỏng dễ cháy, chất gây phản ứng khi gặp nước hoặc khí hydro trong hyddrua-metal. Không được phép nạp pin nhiên liệu trên tàu bay đang bay trừ trường hợp dùng hộp pin nhiên liệu dự phòng…

Đối với đá khô được phép mang trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay không quá 2.5 kg mỗi người. Chỉ được dùng để bảo quản thực phẩm hoặc chất dễ hư hỏng không phải là hàng nguy hiểm. Bao bì phải có lỗ thoát khí CO2. Khi vận chuyển trong hành lý ký gửi, mỗi bao bì chứa đá khô phải được đánh dấu: "DRY ICE" hoặc " CARBON DIOXIDE, SOLID". Khối lượng tịnh của đá khô không quá 2.5 kg.

Các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng được phép mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi. Được đóng gói trong bao bì của nhà sản xuất và chỉ có mục đích sử dụng cho cá nhân hoặc gia đình.

Thiết bị điện tử cầm tay chứa pin khô đáp ứng các quy định của Điều khoản đặc biệt A67 được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay và đáp ứng điều kiện: pin phải có điện áp dưới 12 volts và có công suất dưới 100 Wh; thiết bị phải được bảo vệ khỏi sự kích hoạt ngoài ý muốn, hoặc pin được ngắt kết nối và các đầu cuối lộ thiên được cách điện…

 Khi làm thủ tục chấp nhận vận chuyển, Người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, loại trừ hàng nguy hiểm không trong danh mục này hoặc bị cấm hoặc hạn chế theo danh mục này.

Khi Người khai thác tàu bay có quy định ngoài Danh mục này, phải thông báo cho hành khách và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không biết để phối hợp thực hiện.

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trong quá trình kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không nếu phát hiện hàng nguy hiểm phải thông báo cho đại diện của Người khai thác tàu bay quyết định việc chuyên chở theo quy định…

Ngoài ra, mỗi quốc gia còn có một số quy định riêng như: 

  • Mỹ: quy định nhập cảnh của Hải quan Mỹ, cấm du khách Việt Nam đem theo hải sản (tất cả các loại hải sản), cấm các loại thực phẩm tươi sống, gồm cả đồ ăn chế biến từ thịt bò, gà, lợn… như lạp xưởng, ruốc, bò khô, giò lụa, xúc xích, thịt hộp. Cấm tất cả loại trái cây, rau, hạt, loại thuốc tán nhuyễn (trừ trường hợp đặc biệt như cho người bị bệnh tiểu đường).
  • Nhật Bản: cấm các loài cây, thực vật, hạt giống; các sản phẩm đồ ăn không nhãn mác; trái cây và rau tươi đông lạnh; Các loại gia súc, gia cầm, sản phẩm và phụ phẩm chế biến từ gia cầm như trứng chim, lông chim.
  • Hàn Quốc: cấm các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, và cả các loại thực vật, trái cây và rau quả.
  • Trung Quốc: cấm các loại thực phẩm, thuốc hay sản phẩm khác đến từ vùng có dịch, vùng bị ảnh hưởng hoặc những người dễ lây lan dịch; cấm các thực vật và các sản phẩm, côn trùng gây hại và sinh vật gây hại, cũng như động vật bị nhiễm bệnh.
  • Dubai: cấm thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn; sản phẩm từ ngà voi, da động vật; các loại rượu có cồn; thiết bị truyền phát không dây; các loại thuốc an thần hoặc thuốc gây mê (nếu bắt buộc dùng cần có giấy tờ có chỉ định của bác sĩ, có công chứng đúng pháp luật); hàng hóa và tiền tệ nguồn gốc từ Israel và các nước liên kết; đồ vật mang tính xúc phạm người Hồi giáo.
  • Anh: cấm thuốc không có giấy phép, thuốc an thần, chất kích thích, các loại thực phẩm từ thịt cho tới các loại rau củ quả.
  • Đức: cấm chất phóng xạ; các loại thịt và thực vật khô; đồ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật thời kỳ tiền Colombo.
  • Ý: cấm các loại thực phẩm, thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đóng hộp; các sản phẩm làm từ lông thú, da thú, ngà voi; các thực phẩm như cafe, trà, đường, hạt tiêu; thiết bị điện tử không dây và máy bộ đàm; cây cảnh (nếu cần đem theo phải có dấu chứng nhận kiểm dịch thực vật); thiết bị nghe nhìn điện tử không có mác chứng nhận xuất xứ CE.
  • Pháp: cấm tất cả loài thực vật sống; cấm ngà voi, các sản phẩm làm từ da động vật; cấm sơn, chất đánh bóng và các dung môi làm sạch.
  • Nga: cấm các sản phẩm làm từ da, lông thú, răng thú; các loại thực phẩm gồm cafe và trà; thiết bị vô tuyến điện, các thiết bị chuyển hướng; máy thu/phát; các loại bình dạng xịt

Đối với các công ty, đơn vị vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp, họ không có trách nhiệm, thẩm quyền để kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, họ có cách thức kiểm tra, theo dõi những đơn hàng, ghi nhận lại việc vận chuyển hàng hóa và có điều khoản khách hàng tự chịu trách nhiệm về hàng hóa. Những trường hợp thuộc đơn vị vận chuyển, có hóa đơn vận chuyển, thanh toán phí vận chuyển thì có căn cứ để chứng minh mình không buộc phải biết hàng hóa trong đó là gì. Khách hàng phải cam kết không vận chuyển hàng cấm. Trừ những trường hợp biết là hàng cấm nhưng cố tình vận chuyển thì vẫn có vai trò đồng phạm.

Tuy nhiên, với những người dân thường thì khi cầm hộ hàng hóa cho ai, bản thân phải biết chắc chắn đó là loại hàng hóa gì. Bên cạnh đó, phải có thông tin rõ ràng của hàng hóa, thậm chí bạn phải kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận vận chuyển hộ.

Đối với những người lạ, không quen biết, hàng hóa có nghi vấn, khó kiểm tra bằng mắt thường thì tốt nhất không nên vận chuyển, từ chối nhận cầm giúp. Bởi pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng đối với người không có chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, người dân buộc phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì.

Nếu trường hợp vô tình vận chuyển hàng cấm thì người vận chuyển sẽ đồng phạm với người chủ sở hữu hàng hóa, người thuê,… với vai trò là đồng phạm giúp sức. Nhất là đối với hàng hóa ma túy, khung hình phạt rất nặng, người vận chuyển thường được hưởng lợi không nhiều nhưng khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy có thể lên đến chung thân, tử hình.

Như vậy, bạn cần thận trọng khi mang nhũng đồ vật khi đi máy bay và nhất là trong trường hợp có người lạ nhờ cầm đồ để tránh những rủi ro thậm chí là vi phạm vào tội phạm hình sự.

Thái Yến ghi
#