Lập “hàng rào” ngăn chặn lừa đảo trực tuyến

- Thứ Ba, 21/03/2023, 06:59 - Chia sẻ

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số vụ; các hình thức lừa đảo không mới về nội dung và phương tiện thực hiện, nhưng “kịch bản” lại luôn thay đổi hết sức tinh vi, khó lường. Do đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo lập “hàng rào” đủ mạnh ngăn chặn hành vi phạm tội, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân.

Nhiều chiêu trò lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin, để bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, năm 2022, có 3.252 website chính thống được đơn vị quản lý kiểm tra, gắn nhãn tín nhiệm. Đây là cơ sở để người dân có thể biết được những địa chỉ uy tín trong quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin và giao dịch trên internet, tự mình cảnh giác và phòng tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin... để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản.

Thống kê từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2022 có gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, tăng tới 44% so với năm 2021, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, với 3 nhóm chính. Nhóm 1 là giả mạo thương hiệu chiếm 72.6% như giả mạo tin nhắn SMS, trên website, bằng số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…); nhóm 2 là chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản online (Facebook, Zalo...), chiếm 11.4%; nhóm 3 chiếm 16% là các hình thức khác như việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay… Các hình thức này đều đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, với mục tiêu cuối cùng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù khá cẩn thận, nhưng chị Nguyễn Thị Bích (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vẫn sập bẫy với thủ đoạn “tuyển cộng tác viên làm việc online”. Theo đó, chỉ cần nộp tiền thanh toán trước bằng chuyển khoản sẽ hưởng chiết khấu 10 - 15%, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (gồm cả tiền gốc và hoa hồng). Anh Nguyễn Minh Đức (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, nhận được tin nhắn mời chào rút tiền nhanh từ thẻ tín dụng, anh đã vô tình để lọt thông tin tài khoản. Theo đó, sau khi khai thông tin cá nhân trên đường link đính kèm, anh nhận được tin nhắn yêu cầu nhập mã OTP để được nâng cấp hạn mức hoặc hoàn thành quy trình, nhưng sau khi nhập mã, số tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”. Hay, có không ít phụ huynh đã bị lừa chuyển tiền bởi những cuộc điện thoại “con đi cấp cứu” lan rộng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Thái Nguyên... như vừa qua.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Theo các chuyên gia, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số vụ, số đối tượng, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt trong bối cảnh đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng chuyển từ hoạt động mặt đất lên không gian mạng, tính ẩn danh rất cao, một hành vi phạm tội từ nước ngoài ngay lập tức có thể du nhập về Việt Nam. Chỉ cần lướt trên mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp những thông tin mạo danh để lừa đảo. Dù rằng các hình thức lừa đảo không mới về nội dung và phương tiện thực hiện, nhưng “kịch bản” lại luôn thay đổi hết sức tinh vi, khó lường. Trong khi đó, khả năng phát hiện, điều tra, xử lý còn gặp khó khăn về quá trình, thủ tục…

Từ mất thông tin cá nhân cho đến rơi vào bẫy lừa đảo, để lộ thông tin trên không gian mạng là một trong những điều kiện thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, làm cơ sở để ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt là các quy định về bảo mật thông tin cá nhân, với ràng buộc chặt chẽ trong những giao dịch có yếu tố kinh tế, tạo nên “hàng rào” đủ mạnh ngăn ngừa hành vi phạm tội và giúp cơ quan điều tra có thể nhanh chóng can thiệp khi cần. Ngoài ra, phải có những chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi lừa đảo trục lợi qua không gian mạng, cũng như các biện pháp giám sát, phát hiện hiệu quả. Trong đó, gắn trách nhiệm của các đơn vị nắm giữ thông tin, từ đó khắc phục tình trạng lộ, lọt, mua bán thông tin cá nhân.

Trên thực tế, dù xã hội có phát triển đến đâu, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn luôn tồn tại, với phương thức, thủ đoạn thay đổi không ngừng. Do đó, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi phạm tội hoặc có biểu hiện nghi ngờ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến nhóm người ở vùng nông thôn, người cao tuổi… những người có hiểu biết hạn chế hơn về công nghệ thông tin. Đồng thời, phương thức tuyên truyền cũng cần thay đổi linh hoạt, chú trọng hơn vào mạng xã hội - một trong những kênh thông tin nhanh chóng và hiệu quả nhất hiện nay.

Bảo Văn