Khuyến khích các bên thỏa thuận giá đền bù

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 15:06 - Chia sẻ

Quy định rõ các trường hợp bị thu hồi đất bị giải thể, phá sản; khuyến khích các bên tự thỏa thuận về giá đất đền bù là những vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Điểm a, Khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 quy định thu hồi đất khi tổ chức được Nhà nước giao đất bị giải thể, phá sản. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp bị dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản nên không có cơ sở để thu hồi đất. Do đó, cần có quy định cụ thể về trường hợp thu hồi đất bị giải thể, phá sản khi các doanh nghiệp bị dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh.

Tại Khoản 3, Điều 45 Luật Đất đai năm 2013 quy định, UBND cấp huyện chỉ trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không quy định về việc trình HĐND cùng cấp thông qua Kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Vậy nhưng Điểm a, Khoản 2, Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: HĐND huyện có nhiệm vụ thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Do vậy, chưa thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mặt khác, hiện chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Hiến pháp. Cụ thể, Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Quy định này là mâu thuẫn với các quy định của pháp luật dân sự. Theo Khoản 2, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “... quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Vì vậy, đề nghị có hướng điều chỉnh đối với Khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai để giải quyết việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đối với đất trồng lúa đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích các bên thỏa thuận giá đền bù

Tại Khoản 1, Điều 73 Luật Đất đai 2013 quy định: việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế việc thỏa thuận hết sức khó khăn bởi người sử dụng đất đưa giá quá cao hoặc chủ đầu tư mua với giá thấp hơn giá bồi thường do Nhà nước thu hồi đất; hoặc có thể thỏa thuận được với đa số người sử dụng đất nhưng một số người sử dụng đất lại không chịu thỏa thuận, song các thửa đất của họ lại nằm ở trung tâm dự án, nên dự án không thể tiếp tục triển khai. Quy định này đã gây khó khăn cho người được giao đất, gây ách tắc cho việc giải phóng mặt bằng.

Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng khuyến khích các bên tự thỏa thuận về giá đất đền bù. Quy định Nhà nước thu hồi đất, bồi thường và chủ đầu tư thỏa thuận với người dân cùng một giá cho người có đất bị thu hồi. Tránh tình trạng như hiện nay, những người chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh thì được đến bù giá thấp, còn những người chây ỳ không chịu giao đất sau đó lại được đến bù giá cao gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài; đồng thời, ngăn chặn được tình trạng lợi ích thu được từ việc thu hồi đất đang rơi vào túi một số người như hiện nay.

Đỗ Văn Nhân