Hãy dũng cảm lên tiếng

- Thứ Ba, 28/06/2022, 05:28 - Chia sẻ

Không chỉ ở riêng Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái trên các phương tiện giao thông công cộng, phổ biến là xe bus, xe taxi, tàu điện…

Theo Báo cáo “Khảo sát an toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng” của Plan International Việt Nam thực hiện gần đây, có 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe bus; chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.

Tuy nhiên, vì lý do tâm lý nên nhiều phụ nữ cũng như các em gái thường chịu đựng sự quấy rối trong suốt tuyến đường di chuyển, không tỏ thái độ ngay lập tức hoặc cầu viện sự giúp đỡ của người khác. Điều này cũng một phần do họ chưa có kỹ năng để tự bảo vệ mình trong các tình huống nên khi sự việc xảy ra chỉ biết im lặng.  

Điều đáng nói, sự im lặng đó là nguyên nhân khiến tình trạng quấy rối tình dục ngày càng gia tăng. Đó là ở góc độ nạn nhân, còn đối với nhân viên phục vụ, do đặc thù làm việc hàng ngày trên 1 xe, 1 tuyến đường nên cũng có nguy cơ bị thủ phạm đe dọa hoặc trả thù. Chính vì thế, các bên liên quan đều chọn giải pháp im lặng.

Trước thực tế này, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng triển khai như lắp đặt các hệ thống truyền thông, hướng dẫn sử dụng xe bus an toàn; rà soát các điểm nhà chờ xe buýt không an toàn; tăng cường hệ thống wifi trên hệ thống xe buýt để hỗ trợ hành khách sử dụng công nghệ thông tin trong việc can thiệp và trình báo tới cấp có thẩm quyền… Đặc biệt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đã tổ chức 51 khóa tập huấn cho gần 2.000 lái xe, nhân viên bán vé xe bus về các vấn đề bình đẳng giới và bạo lực nơi công cộng. Đây là giải pháp rất thiết thực vì khi nắm được các quy định về pháp luật thì đội ngũ nhân viên, lái xe, phụ xe bus mới có căn cứ để ứng phó với kẻ gây rối…

Tuy vậy, những giải pháp nêu trên sẽ giảm đi tác dụng, khi những người liên quan, đặc biệt là nạn nhân, người chứng kiến còn không dám lên tiếng. Thực tế cho thấy, khi nạn nhân bày tỏ cần được trợ giúp, lái xe và phụ xe có thể yêu cầu nạn nhân hoặc thủ phạm đổi chỗ, hoặc nếu hành vi nghiêm trọng sẽ đưa đến cơ quan có thẩm quyền gần nhất để được xử lý.

Điều này, cho thấy không chỉ nạn nhân bị quấy rối mà bất kỳ ai cũng hãy dũng cảm lên tiếng. Sự lên tiếng có thể là sự cảnh báo sự mất an toàn, hoặc cao hơn là hành vi trợ giúp, lên án… Tất cả chung tay vì một không gian giao thông công cộng an toàn cho tất cả mọi người.

Nguyễn Linh