Giờ cao điểm các phương tiện có được đi vào làn BRT dành riêng cho xe buýt không?

- Thứ Ba, 06/06/2023, 09:05 - Chia sẻ

Xin hỏi, việc đi vào làn xe BRT dành riêng cho xe buýt vào giờ cao điểm có được phép hay không? - Câu hỏi của bạn đọc Phan Hùng Cường (Hà Nội).

Giờ cao điểm có được đi vào làn BRT không? -0
Các phương tiện giao thông khác không được đi vào làn BRT. Ảnh ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn:

Làn đường BRT là tuyển đường chuyên dụng dành riêng cho xe buýt nhanh. Việc thiết kế làn đường cho xe buýt nhanh BRT có vai trò quan trọng đảm bảo xe buýt nhanh có thể di chuyển nhanh hơn và không bị chậm chuyến do vấn đề ùn tắc, nhờ đó đáp ứng được nhu cầu của người dùng.  

Khi nào được đi vào làn đường BRT?

Theo Phụ lục D, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT Báo hiệu đường bộ như sau:

Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h). Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy.Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

Riêng biển số R.412e “Làn đường dành cho xe buýt”, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt); trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.

Biển số R.412a “Làn đường dành cho xe ô tô khách”: làn đường dành riêng cho ô tô khách (kể cả ô tô buýt). Trong đó, khi báo hiệu làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh, bổ sung thêm cụm từ “BRT” trên biển R.412a.

Theo đó, đối với làn đường BRT các loại xe khác không được đi vào làn đường này (trừ các xe được ưu tiên theo quy định). Như vậy, không có khung giờ nào được đi xe vào làn đường BRT.

Mức xử phạt đi vào làn BRT

Khoản 1, Điều 13, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.”

Vì vậy, xe máy, ô tô, thậm chí cả xe đạp đi vào làn đường BRT sẽ bị xử phạt lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định theo Nghị định số 100/2019 của Chính phủ.

Cụ thể như sau:

Mức phạt với ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: 3 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng;

Mức phạt với xe máy: 400.000 – 600.000 đồng;

Mức phạt với xe đạp: 80.000 – 100.000 đồng.

Mức phạt đối với lỗi này tăng mạnh so với Nghị định số 46/2016, đặc biệt với ô tô.

Mặc dù xử phạt nghiêm khắc như vậy, nhưng trong khung giờ cao điểm tại Hà Nội, làn đường BRT dường như vẫn bị “nhấn chìm” bởi các loại phương tiện giao thông khác. Buýt nhanh bỗng nhiên thành “buýt chậm”, khiến hiệu quả hoạt động của phương tiện này không cao.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tại các trạm BRT hầu hết đều có camera giao thông, được sử dụng để phạt nguội các phương tiện đi vào làn đường này. Mặc dù, không nhìn thấy lực lượng chức năng đứng điều tiết giao thông hay xử phạt, nhưng các phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô) hoàn toàn có thể bị phạt nguội nếu cố tình đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT.

Thái Yến ghi
#