Đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số:

Cần chính sách cụ thể hơn

- Thứ Tư, 05/10/2022, 10:43 - Chia sẻ

Những năm qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần luật hóa các quy định để bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chưa có quy định riêng cho quyền tiếp cận đất của đồng bào dân tộc thiểu số

Đất đai là yếu tố quan trọng chi phối mạnh nhất cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa. Bảo đảm quyền sử dụng đất là một trong yếu tố đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển các cộng đồng DTTS ở Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nước ta còn hơn 58.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, hơn 330.000 hộ thiếu đất sản xuất. Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm và giải pháp triệt để hơn. Đứng trước thực tế đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng tới bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS.

Cần chính sách toàn diện  -0
Cần giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết sau khi khảo sát ở những nơi hẻo lánh nhất, xa xôi nhất có thể thấy đã có nhiều chính sách quan tâm đến DTTS song thực tế vấn đề tiếp cận đất đai thì hệ thống pháp luật xử lý chưa tốt. “Điều đáng nói, so sánh các quy định liên quan đến bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của DTTS tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đất đai 2013 chưa có điểm mới. Hầu hết các quy định tại dự thảo đều đang có sự lặp chỉ nêu về chính sách, ưu đãi. Nhưng ưu đãi như thế nào, công nhận đất của người DTTS như thế nào lại chưa giải quyết được, các giải pháp đưa ra nhưng lại mang tính chung chung. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (bản 16.9.2022) vẫn chưa có những quy định cụ thể dành riêng cho quyền tiếp cận đất của dân tộc thiểu số”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cũng cho rằng, hiện nước ta có 53 DTTS, số lượng người DTTS đông, quyền tiếp cận đất đai cũng đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng dự thảo Luật chưa giải quyết được nhiều. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lẽ chính sách dân tộc là chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước, nếu làm không tốt sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh nhất là vấn đề an ninh. Vì vậy, cần phải được luật hóa để giải quyết một cách căn bản, căn cơ tạo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Quy hoạch sử dụng đất, cần được quan tâm đúng mức

Hiện nay, ở các vùng đồng bào DTTS, người dân thường canh tác, hưởng dụng từ đất, rừng theo truyền thống và thiếu các hồ sơ pháp lý về hiện trạng sử dụng/khai thác đất đai của mình. Tuy nhiên, quá trình rà soát, quy hoạch đất đai của Nhà nước chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất/rừng của cộng đồng DTTS. Ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ hàng chục năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ. Nhưng khi quy hoạch các lâm trường, Nhà nước không ghi nhận thực trạng này mà đưa cả diện tích dân đang canh tác vào quy hoạch lâm trường, rừng phòng hộ…

Cần chính sách toàn diện  -0
Làm tốt khâu quy hoạch ngay từ đầu, bảo đảm quyền lợi của người dân đồng bào dân tộc thiểu số

Về vấn đề này, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết, trước đây trong quá trình xây dựng lâm, nông trường đã thu hồi nhiều diện tích đất của đồng bào DTTS, nhưng sau đó làm ăn thua lỗ và đã thực hiện thành công thí điểm trả lại đất cho đồng bào DTTS. Vì vậy, dự thảo lần này cần luật hoá giải pháp cụ thể về vấn đề này để chính thức hóa việc giao đất cho bà con DTTS. Bên cạnh đó, hiện nay DTTS đang đứng trước làn sóng chuyển nhượng đất, cụ thể chỉ cần trả giá cao, người đồng bào sẵn sàng bán cho các cá nhân, doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội cũng nhấn mạnh thêm việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần quan tâm đúng mức đến việc quy hoạch sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, trong quá trình lấy đất để sử dụng vào mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng và lợi ích của các nhà đầu tư thì việc trích ra lợi nhuận để bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc Nhà nước lấy đất của các đối tượng khác để điều chuyển cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ càng khó khăn nếu như quỹ đất này không được tính toán ngay trong quy hoạch ban đầu.

“Hiện, nguồn đất của các nông lâm trường, các trang trại, xí nghiệp quốc doanh ở các giai đoạn trước được nhà nước giao khoán đất cho các hộ gia đình nhưng chưa có cơ chế để giải quyết cụ thể. Theo đó, nếu đối tượng được giao sử dụng đất để phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Dự án 327 của Chính phủ bằng nguồn vốn ngân sách thì vấn đề quyền sử dụng đất phải trả về cho Nhà nước và ở địa phương cần có cơ chế để kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ để không diễn ra tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số lấn chiếm, sử dụng một cách lâu dài ổn định trên phần đất đó” bà Nga chia sẻ.

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông).

Nguyễn Ngân
#