Pháp luật phải công minh !

- Thứ Hai, 05/07/2021, 08:58 - Chia sẻ
Thời gian qua, có những nghệ sỹ nổi tiếng đã tham gia quảng cáo sản phẩm. Đây là điều pháp luật không cấm nhưng vấn đề ở chỗ khi phát hiện những mặt hàng này là giả hay kém chất lượng, công dụng không đúng như quảng cáo thì có người xin lỗi, có im lặng, trong khi các cơ quan chức năng chưa có nhiều động thái, cho dù chế tài đã có.

Ví dụ như mới đây một người nổi tiếng đăng "dòng trạng thái" về một sản phẩm mà cô đã quảng cáo. Rằng: Nếu sự thật đúng như những gì bài báo nêu thì cô rất thất vọng và hối hận. Là người của công chúng cô ý thức được trách nhiệm của mình đối với mỗi phát ngôn và hành động. Giờ nhìn lại thực sự thấy mình đã sai, cô đã gửi lời xin lỗi chân thành và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để giúp xử lý đúng mực những hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Trước đó, hai nghệ sỹ nổi tiếng khác cũng đã viết trên trang cá nhân thư xin lỗi khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm khi quảng cáo, dẫn đến việc nhiều người hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh thay vì chỉ là thực phẩm chức năng.

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, cho dù là lời xin lỗi trên các trang cá nhân nhưng qua đó cũng phần nào cho thấy trách nhiệm của họ vì đã tạo "hiệu ứng" không đúng về một sản phẩm nào đó với cộng đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý, tuy theo mức độ vi phạm   thì chắc chắn không thể chỉ xin lỗi hoặc đăng đôi ba "dòng trạng thái" là xong.

Bởi theo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018 thì hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng theo Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hay Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

Như vậy, điều cần thiết ở đây là phải xem xét những hành vi này là vô tình hay cố tình và hậu quả như thế nào. Bởi như ý kiến của một luật sư, nếu chiếu theo Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì hành vi quảng bá sản phẩm, dịch vụ của một số nghệ sỹ có thể xem là đồng phạm với nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đó trong việc "lừa dối người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo". Đây là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong trường hợp nếu đã bị xử lý hành chính nhưng người vi phạm vẫn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Nếu người cung cấp sản phẩm, dịch vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì rất có thể các nghệ sỹ quảng bá cũng sẽ phải liên đới trách nhiệm.

Quảng cáo phải theo quy định của luật nếu vi phạm phải bị xử lý dù là người bình thường hay nghệ sĩ nổi tiếng. Đây là  sự bình đẳng, công minh của pháp luật.

Ninh Khương