Chính sách của một số nước về phòng, chống bạo lực gia đình

Pháp: Giải pháp mạnh, quyết tâm lớn

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 07:14 - Chia sẻ
Là một trong số các quốc gia có tỷ lệ bạo hành gia đình cao nhất châu Âu, Pháp đang quyết tâm xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật của mình để đối phó với “đại dịch” nguy hiểm không kém gì Covid-19 này.

Thực trạng đáng sợ

Theo số liệu của chính phủ, năm 2018, quốc gia này chứng kiến 128 phụ nữ và 21 nam giới đã bị chồng hoặc bạn trai giết hại. 21 trẻ em cũng mất mạng trong năm đó do bạo lực từ cha mẹ. Tổ chức phi chính phủ Feminicides par compagnons ou ex (tổ chức chống lại tình trạng phụ nữ bị giết hại) thống kê được 150 vụ phụ nữ bị giết hại bởi bạn trai hoặc bạn trai cũ vào năm 2019. Còn trong năm 2020, tính tới nay, 53 phụ nữ Pháp đã mất mạng dưới tay người bạn đời hiện tại hoặc bạn đời cũ. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Liên minh châu Âu cho thấy, Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ bạo lực gia đình cao nhất trong khối. Năm 2019, gần 219.000 phụ nữ, từ 18 - 75 tuổi, là nạn nhân của lạm dụng thể chất và tình dục bởi đối tác hiện tại hoặc đối tác cũ. Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí phải than rằng, sự gia tăng của các vụ giết hại phụ nữ là “nỗi hổ thẹn của nước Pháp”.

Thực tế, vấn đề này đã nổi lên ở Pháp kể từ năm ngoái khi nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội lần đầu tiên gióng lên hồi chuông báo động, đồng thời kêu gọi chính phủ tăng cường bảo vệ các nạn nhân và trừng phạt nghiêm thủ phạm. Hội đồng Cấp cao về bình đẳng của Pháp khi đó cũng cảnh báo rằng, “điều đáng quan ngại là các cơ chế bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và con cái của họ quá hạn chế”.

Thực tế, đại dịch Covid-19 và các biện pháp được áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus đã tạo thêm áp lực khiến chính phủ Pháp không thể hành động sau khi các báo cáo về bạo lực gia đình tăng vọt hơn 30% trong thời gian phong tỏa xã hội. Trước tình hình đó, chính phủ đã khởi xướng một số kế hoạch để giải quyết tình hình, trong đó có việc giúp phụ nữ “tái định cư” tạm thời trong khách sạn để thoát khỏi đối tác bạo hành và thành lập 20 trung tâm hỗ trợ tại các trung tâm mua sắm khắp đất nước. Ngoài ra, chính quyền cũng thiết lập một hệ thống cảnh báo tại các hiệu thuốc nơi nạn nhân có thể liên hệ với cảnh sát thông qua dược sĩ nhờ sử dụng mật khẩu.

Bác sĩ được phép tiết lộ hồ sơ bệnh án để báo cáo bạo lực gia đình

Vào tháng 7 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua luật để bảo vệ các nạn nhân bạo lực gia đình, tạo ra ngoại lệ đối với quy tắc bảo mật y tế khi cho phép các bác sĩ “phá vỡ bí mật” của bệnh nhân nếu tính mạng của họ đang gặp “nguy hiểm” và không có khả năng tự bảo vệ mình. Các bác sĩ có quyền hành động thậm chí không cần sự đồng ý của nạn nhân để báo cáo những trường hợp nghi ngờ là bạo lực gia đình cho chính quyền. Luật mới cũng tăng hình phạt đối với hành vi quấy rối trong mối quan hệ vợ chồng lên đến 10 năm tù và phạt tiền vào khoảng 150.000 euro nếu hành vi đó khiến nạn nhân tự sát hoặc cố gắng tự sát. Trước đó, hành vi trên chỉ bị phạt tối đa 5 năm tù và 75.000 euro nếu khiến nạn nhân mất khả năng lao động hoặc được thực hiện với sự có mặt của trẻ vị thành niên.

Luật cũng cho phép thẩm phán cấm những kẻ tình nghi lạm dụng gặp con cái của họ. Các quy định mới còn đình chỉ quyền thăm nom và ở cùng con cái của những kẻ bị cáo buộc lạm dụng, nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi bạo lực gia đình. Ngoài ra, con cháu sẽ được loại bỏ “nghĩa vụ phụng dưỡng” đối với cha mẹ hoặc người giám hộ bị kết tội bạo lực gia đình. Theo các nhà chức trách, việc “tự động đình chỉ quyền hạn của cha mẹ” sẽ cấm kẻ ngược đãi thực hiện các hành vi tàn bạo trong tương lai.

Luật cũng quy định về việc sử dụng vòng đeo tay định vị đối với những đối tượng gây ra bạo lực. Người yêu hoặc chồng của nạn nhân có thể được yêu cầu đeo vòng tay định vị, cho phép cảnh báo nạn nhân nếu người đeo đến trong phạm vi do thẩm phán ấn định. Theo Bộ Tư pháp Pháp, những chiếc vòng tay trên đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9 vừa qua.

Ngoài ra, luật còn thêm nhiều quy định mới trong Bộ luật Hình sự nhằm ngăn chặn vợ hoặc chồng hoặc bạn tình lạm dụng sử dụng thiết bị định vị để biết nơi ở của nạn nhân. Luật mới quy định bất kỳ ai ghi lại hoặc truyền thông tin vị trí địa lý của người khác mà không có sự đồng ý của người đó là bất hợp pháp. Ngoài ra, hành vi trộm cắp thiết bị liên lạc của vợ/chồng hoặc đối tác giờ cũng trở thành hành vi phạm tội có thể bị truy tố. Cơ quan thực thi pháp luật có thể thu giữ bất kỳ vũ khí nào mà người đang bị điều tra vì bạo lực gia đình sở hữu. Luật mới cũng loại bỏ thủ tục hòa giải trong các trường hợp ly hôn mà một trong hai người là nạn nhân của bạo lực.

Hình sự hóa bạo lực tâm lý

Trong bao lực gia đình, không chỉ bạo lực thể chất mà bạo lực tâm lý cũng là vấn nạn đáng báo động ở Pháp. Hiểu rõ thực trạng đó, cách đây 10 năm, Pháp đã coi bạo lực tâm lí là hành vi phạm tội. Tháng 6.2010, Quốc hội Pháp đã thông qua luật coi “bạo lực tâm lý” là tội hình sự nhằm giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực và lạm dụng thể chất, đặc biệt là trong gia đình. Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là ông François Fillon đã gọi luật này là “sự nghiệp quốc gia” bởi nó cho phép các cơ quan chức năng giải quyết “những tình huống lắt léo nhất, không để lại dấu vết bằng mắt thường nhưng có thể làm tổn thương tâm lý nạn nhân”.

Những người bị kết tội phải đối mặt với 3 năm tù giam và khoản tiền phạt 75.000 euro. Mặc dù luật được áp dụng cho cả hai giới, nhưng những người soạn thảo đặc biệt lo ngại về tình trạng lạm dụng phụ nữ. Văn bản pháp lý trên định nghĩa bạo lực tinh thần là “những hành vi lặp đi lặp lại có thể được cấu thành bằng lời nói”, bao gồm cả những lời lăng mạ hoặc tin nhắn văn bản lặp đi, lặp lại “làm suy giảm chất lượng sống của một người và gây ra sự thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc thể chất của họ”. Luật pháp cũng cho phép các nhà chức trách đeo vòng điện tử trên mắt cá chân của kẻ bạo hành trong thời gian thử thách 3 năm để giữ họ tránh xa nạn nhân.

Thực tế, ngoài hai luật kể trên, hệ thống luật pháp của Pháp lâu nay vẫn có nhiều luật cơ bản điều chỉnh các hành vi bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng. Có thể kể đến là Luật Chống bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực vợ chồng và bạo lực trẻ em (2010, sửa đổi năm 2015), Bộ luật Hình sự (2013), Luật Chống quấy rối tình dục (2012), Luật Tăng cường ngăn ngừa và trấn áp bạo lực trong cặp vợ chồng hoặc bạo lực đối với trẻ vị thành niên (2006)…

Linh Anh