Phải vì "muốn lo việc nước!"

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:17 - Chia sẻ
Trong gần chục ngày đầu tiên tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội đã phát 15 bộ hồ sơ cho người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và 7 bộ hồ sơ cho người tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ở TP Hồ Chí Minh, đến ngày 8.3 cũng đã có 4 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và 2 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND gửi đến Ủy ban Bầu cử thành phố.

Số người tự ứng cử chắc chắn không dừng ở đó bởi những ngày này tại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử của hai thành phố lớn nhất nước vẫn có nhiều người đến tìm hiểu và nộp hồ sơ.

75 năm trước, khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”. Kết quả là trong cuộc bầu cử đó, địa phương nào cũng có người tự ứng cử.

Một thời gian khá lâu sau, chính xác là tháng 4.1992, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội Khóa VIII thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó quy định công dân có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội và nêu cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Cuộc bầu cử kế tiếp (Quốc hội Khóa IX) diễn ra sau đó chỉ hơn 3 tháng (tháng 7.1992). Khi ấy việc tự ứng cử còn mới mẻ, thời gian lại gấp gáp nên kết quả chưa như mong muốn.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng tích cực trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Nếu như Quốc hội Khóa X chỉ có 11 người tự ứng cử thì Quốc hội Khóa XI có 67 người. Tới Quốc hội Khóa XII, sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, số người tự ứng cử lên tới 223. Đến Quốc hội Khóa XIII, số người tự ứng cử tuy ít đi nhưng số người tự ứng cử trúng cử lại tăng lên - gồm 4 người, nhiều nhất từ trước tới nay. Gần đây nhất (năm 2016), cả nước có 162 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Ngày càng nhiều công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trước hết cho thấy không khí dân chủ trong bầu cử đang được phát huy mạnh mẽ.

Quan trọng hơn, diễn biến này khẳng định hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hiệu quả và hiệu lực hoạt động ngày một cao hơn, đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Từ đó, vị thế của Quốc hội trong lòng dân thêm vững chắc. Từ đó, những hoạt động trên nghị trường, trong các công xưởng “Ủy ban” đặc biệt thu hút sự quan tâm, chú ý dõi theo của cử tri cả nước. Và cũng từ đó đã thôi thúc mỗi người dân chủ động tham gia vào các công việc của đất nước. Với những người tự ứng cử, hẳn họ tin rằng diễn đàn Quốc hội sẽ là nơi lý tưởng giúp họ hiện thực hóa tâm nguyện “muốn lo việc nước”.

Cuộc bầu cử vào tháng 5 tới sẽ chọn ra những đại biểu đại diện cho Nhân dân làm nhiệm vụ rất quan trọng là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội Khóa XV phải xứng tầm Quốc hội của một thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập sâu rộng hơn. Đây vừa là yêu cầu của dân chủ, vừa là đòi hỏi của thực tế nhằm đưa đất nước lên một trình độ phát triển cao hơn. Tất yếu, người đại biểu Nhân dân cũng có những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đã đưa ra 7 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, uy tín…

Mỗi công dân khi tự ứng cử phải thực sự xuất phát từ tâm nguyện "muốn lo việc nước" và tự soi xem mình có đủ tiêu chuẩn để đảm nhận trọng trách của một đại biểu Quốc hội hay không. Đừng tự ứng cử theo phong trào, hoặc để lấy tiếng, hoặc chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân..., bởi bộ lọc của cử tri anh minh chắc chắn không để lọt những người như vậy!

Hà Lan