Tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Phải thực hiện ngay từ giáo dục mầm non

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:06 - Chia sẻ
Trước tình trạng hiện nay một số dân tộc đã mai một tiếng nói, chữ viết, Hội đồng Dân tộc đã kiến nghị cần sớm tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải sớm cụ thể hóa chính sách này để áp dụng ngay từ giáo dục mầm non nhằm giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc.

Sớm biên soạn sách giáo khoa song ngữ

Là mô hình giáo dục khoa học và khả thi, tại Hội thảo tham vấn vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu khẳng định thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ theo chương trình giáo dục phổ thông mới được chính quyền, địa phương, ngành giáo dục ủng hộ; được cộng đồng, cha mẹ học sinh tin tưởng, góp phần giúp học sinh sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc. Kết quả giáo dục thử nghiệm của học sinh học giáo dục song ngữ cao hơn so với học sinh không học song ngữ, học sinh có các kỹ năng vượt trội hơn so với học sinh không học song ngữ.

	Ảnh minh họa học sinh dân tộc thiểu số   	Nguồn: TTX
Ảnh minh họa học sinh dân tộc thiểu số
Nguồn: TTX

Lợi ích đạt được từ giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là rất lớn. Tuy nhiên, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ dường như chưa được quan tâm đúng cách. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, “giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ mới chỉ được thực nghiệm, chưa áp dụng trên phạm vi rộng, nên ở một số địa phương, phụ huynh học sinh dân tộc Kh’mer thường hay tranh thủ thời gian nghỉ hè để cho con vào chùa học tiếng dân tộc. Tuy nhiên, do không có sách giáo khoa dạy song ngữ, nên nhà chùa thường dùng tài liệu của nước ngoài. Điểm đáng lưu ý là các sách giáo khoa nước ngoài này không phù hợp với đặc điểm chính trị, văn hóa của nước ta.

Cùng quan điểm này, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu thực tế tại Trường Tiểu học Lao Chải (Lào Cai) tình trạng không có sách giáo khoa song ngữ khiến nhà trường, giáo viên phải tự chuẩn bị tài liệu, tự photo và thậm chí các cháu phải dùng chung sách, vở, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dạy song ngữ. Hơn nữa, hiện nay, chúng ta chỉ quy định dạy tiếng dân tộc với tư cách là một môn học, nếu quyết định tái khởi động dạy song ngữ thì phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. 

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đang đặt ra yêu cầu phải bảo đảm phù hợp với văn hóa vùng, văn hóa tộc người, và phải phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi của các em học sinh, đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho rằng, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trước hết phải bảo đảm quyền, tức là được quyền lựa chọn học, quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ, chứ không phải là mô hình áp dụng chung cho tất cả đối tượng. Đồng thời phải gấp rút biên soạn sách giáo khoa song ngữ đối với một số môn học ở cấp tiểu học.

Đã quy định nhưng chưa thực hiện được

Trước tình trạng hiện nay một số dân tộc đã mai một tiếng nói, chữ viết, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nhấn mạnh, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phải được tiến hành từ giáo dục mầm non. Đây là một phương pháp giáo dục hiệu quả để giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc, đồng thời cũng là nhu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, các cơ quan liên quan phải sớm cụ thể hóa chính sách này. Đơn cử như tiếng Mông đã phát triển thành ngôn ngữ quốc tế thì giáo dục song ngữ (Tiếng Việt - Tiếng Mông) cũng phải có sự thay đổi, chứ không phải giữ nguyên từ những năm 1970 đến nay.

Trích dẫn tại Khoản 6, Điều 1, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” đã có quy định về kinh phí và nguồn vốn để thực hiện 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa song ngữ (Tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học, các thành viên Hội đồng Dân tộc chỉ ra, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thực hiện được quy định này.

Lý giải cho sự chậm trễ này, đại diện Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tham mưu, chỉ đạo và nghiên cứu để xây dựng sách giáo khoa tiếng dân tộc. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về quy định xã hội hóa sách giáo khoa. Bởi lẽ đã xã hội hóa thì phải có lãi. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định xây dựng và thực hiện sách giáo khoa tiếng dân tộc thì lại vướng về quy định đấu thầu của Bộ Tài chính. Vì vậy, Chính phủ có giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trao đổi cách thức biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc. Còn vấn đề sách giáo khoa song ngữ, Chính phủ sẽ sớm báo cáo lại nguyên nhân và nêu rõ trách nhiệm.

Rất cần sớm ban hành và có đủ sách giáo khoa tiếng dân tộc, sách giáo khoa song ngữ phù hợp với đặc điểm chính trị, văn hóa, bản sắc dân tộc của nước ta. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ. Song song với sách giáo khoa, phải bảo đảm nguồn giáo viên dạy học tiếng dân tộc và song ngữ. Ở vùng dân tộc, cần tăng cường giáo viên bản địa, giáo viên biết tiếng dân tộc, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để giáo viên có thể dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Anh Thảo