Phải thấy "nóng ruột"...

- Thứ Hai, 29/03/2021, 06:32 - Chia sẻ
Có "khởi đầu" khá sớm, từ năm 1881 với việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70km. Thế nhưng đến nay, hệ thống đường sắt của nước ta ngày càng tụt hậu, thậm chí đã quá lạc hậu...

Hiện nay các nước đã áp dụng các tiến bộ khoa học như điện khí hóa, đệm từ, thậm chí đường ống, trong khi hạ tầng đường sắt nước ta vốn dĩ cũ kỹ, lạc hậu lại không được cải tạo, nâng cấp nhiều mà chủ yếu là duy tu nhưng nguồn vốn cũng khá hạn hẹp. Là việc vẫn sử dụng đường đơn, khổ nhỏ, năng lực tàu thông qua thấp; là chỉ riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam đã có tới hàng nghìn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, hơn 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông... Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi đường sắt ngày càng tụt hậu, lạc hậu về mọi phương diện so với các loại hình vận tải khác.

Tại Tọa đàm "Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam" diễn ra vừa qua, hàng loạt nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này đã được chỉ ra, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chưa có sự thay đổi về tư duy, nhận thức cùng sự quan tâm của các bộ, ngành. Để hạ tầng đường sắt phát triển phải xác định rõ trách nhiệm Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu như các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh thì với đường sắt lại chỉ là thay mặt Nhà nước quản lý tài sản, trong khi về nguyên tắc, đơn vị nào sở hữu tài sản thì đơn vị đó đầu tư.

Hiện nay Tổng Công ty Đường sắt đang hoạt động, cung cấp những sản phẩm dịch vụ mang tính công ích. Việc xã hội hóa hoặc cổ phần hóa để tổng công ty tự chủ chỉ là một phần rất ít. Bởi vậy, cần phải rõ ràng hạ tầng của Nhà nước thì Nhà nước phải có chính sách đầu tư căn cơ. Phần nào thuộc doanh nghiệp thì giao doanh nghiệp tự chủ, khai thác. Hiện nay việc này chưa rõ nên ngành đang "gánh" toàn bộ, trong khi nguồn lực đầu tư không nhiều.

Ở góc nhìn khác, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt là ngành cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng với nước ta còn khó khăn về cơ chế. Tiền có thể hữu hạn nhưng cơ chế không hữu hạn. Cơ chế ở đây là phân phối nguồn lực cho 5 phương thức giao thông. Quy hoạch đường sắt đã có nhưng khi giao, phân bổ và cân đối nguồn vốn cho các loại hình vận tải, đường sắt lại ở "thế yếu" dẫn tới "mắc kẹt" ở khâu tổ chức thực hiện.

Cũng theo ông Minh: Trong 30 năm đổi mới, chúng ta tập trung cho hàng không, đường bộ, hàng hải để giải quyết các "nút thắt" về kinh tế - xã hội. Bởi vậy, đã đến lúc Chính phủ phải tính tới "thiên chức" từng lĩnh vực giao thông, với vận tải đường sắt là vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hành khách tuyến dài. Từ đó, quy hoạch thiết kế mạng lưới lĩnh vực giao thông phù hợp để có sự cạnh tranh.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong phát triển ngành đường sắt đã rõ ràng. Bởi vậy, đã đến lúc phải có giải pháp, chiến lược cụ thể cả trước mắt cũng như lâu dài. Như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì Bộ Giao thông Vận tải phải thấy "nóng ruột", để làm sao thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt. 

Linh Trang