Phải thật công tâm!

- Thứ Ba, 16/03/2021, 08:30 - Chia sẻ
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa thống nhất trong 5 năm tới sẽ tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, xã.

Theo đó, ngay trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu 40% - 60% quận, huyện có cán bộ tuổi dưới 35 giữ chức vụ Phó Bí thư, Phó chủ tịch UBND quận, huyện; mỗi quận, huyện bố trí 10 - 15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ dưới 30 tuổi tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND. Kết thúc nhiệm kỳ, mỗi quận, huyện có ít nhất 1 cán bộ dưới 35 tuổi giữ chức vụ lãnh đạo quận, huyện; đồng thời mỗi quận, huyện phải bố trí 20 - 25% số xã, phường, thị trấn có cán bộ dưới 30 tuổi tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND.

Chủ trương này xuất phát từ thực tế những cán bộ lãnh đạo thuộc diện Thành ủy Hải Phòng quản lý ở phần lớn địa phương, đơn vị chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, không bảo đảm tính kế thừa. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ trẻ, nhất là dưới 35 tuổi rất thấp, có thể dẫn đến sự hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế cận.

Thiếu cán bộ trẻ không phải là chuyện riêng của Hải Phòng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vào tháng 11.2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Ở nhiều nơi tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp, chưa đạt yêu cầu theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị”.

Vì sao có tình trạng này? Đất nước không có nhiều người trẻ tài giỏi, hay trong công tác cán bộ (từ quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo, tạo nguồn, luân chuyển cán bộ đến đánh giá và bố trí cán bộ…) vẫn còn điểm hạn chế khiến họ khó có một vị trí xứng đáng trong bộ máy để cống hiến? Định kiến cán bộ trẻ quá thì nói không ai nghe, lại cũng chưa qua thử thách nên chắc gì đảm đương nổi nhiệm vụ... tồn tại hay không, nếu còn thì đây phải chăng cũng là một rào cản?  

Không phải ngẫu nhiên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 27 bí thư tỉnh ủy, thành ủy thuộc thế hệ 7X. Năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm một Thứ trưởng 37 tuổi, trẻ nhất trong Chính phủ. Mới đây, Bộ Ngoại giao cũng có tân Thứ trưởng 44 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử của ngành… Trẻ hóa cán bộ rõ ràng là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi của thực tiễn nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của thời đại công nghệ 4.0 cũng như những thách thức truyền thống và phi truyền thống trên bình diện toàn cầu. Tin tưởng những người trẻ có tài, Trung ương đã trao cho họ cơ hội để rèn luyện và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.  

Cũng vậy, chủ trương của Hải Phòng nhằm tăng cường chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; từng bước xây dựng đội ngũ cũng như tạo nguồn cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để có được những người không chỉ trẻ mà còn phải thực sự giỏi vào bộ máy nhà nước? Làm thế nào để tránh tình trạng mỗi khi có cán bộ trẻ được bổ nhiệm, dư luận chưa kịp mừng thì lại “ngã ngửa” vì đó là “con ông cháu cha”?

Câu trả lời - tất nhiên phải dựa vào các tiêu chuẩn cán bộ, điều kiện bổ nhiệm! Ví dụ cán bộ trẻ muốn được bổ nhiệm lãnh đạo quận, huyện ở Hải Phòng ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn chung phải là trưởng, phó phòng cấp sở ngành và tương đương, dưới 35 tuổi; được đào tạo bài bản, được quy hoạch; có năng lực, uy tín, triển vọng...

Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, quan trọng hơn cả vẫn là cái tâm, cái tầm của người đánh giá cán bộ. Đó phải thực sự là những người vừa trong sạch, công tâm, khách quan, vừa phải có tầm nhìn! Bởi vì chỉ có như vậy mới phát hiện, đánh giá đúng người trẻ, người tài và đặt họ vào đúng vị trí để phát huy tối đa năng lực.

Hà Lan