Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Sơn La

Phải đủ thẩm quyền để giải trình, tiếp thu

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 09:26 - Chia sẻ
Theo các Ban HĐND tỉnh Sơn La, để khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, cần kiên quyết không tiếp nhận thẩm tra các trường hợp gửi chậm so với thời gian quy định. Cùng với hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi đến thẩm tra bảo đảm theo quy định, cần yêu cầu đại diện cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định tham gia hội nghị thẩm tra phải là người đứng đầu để có đủ thẩm quyền giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm tra. Đối với những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý, các Ban kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình kỳ họp để tiếp tục hoàn thiện.

Sơn La trong những năm gần đây được biết đến là tỉnh có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, quảng bá, xúc tiến thương mai, giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu nông sản hàng hóa có bước phát triển nhảy vọt. Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất khu vực phía Bắc và đứng thứ 2 trong cả nước. Để đạt được thành công đó, HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc quyết định các biện pháp để tổ chức triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của các Ban HĐND tỉnh trong thẩm tra để nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND.

Chủ động tham mưu tham vấn ý kiến

Để nâng cao chất lượng thẩm tra, kinh nghiệm của các Ban HĐND tỉnh Sơn La từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, trước hết các Ban cần tăng cường khảo sát, giám sát để chủ động đề nghị xây dựng nghị quyết và nghiên cứu, thẩm tra các nghị quyết trình HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh. Đây là cơ sở để các Ban của HĐND tỉnh đề xuất nội dung giám sát, khảo sát nhằm thu thập thông tin từ thực tiễn phục vụ thẩm tra các nghị quyết trình kỳ họp. Theo phân công của Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh giám sát và báo cáo định kỳ hằng quý về kết quả tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ngay từ khi có thông báo phân công nhiệm vụ nghiên cứu đề nghị xây dựng nghị quyết và thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh đã chủ động thu thập các văn bản liên quan để nghiên cứu, đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh về việc thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết. Tham gia đầy đủ các hội nghị tư vấn của cơ quan soạn thảo, các phiên họp của UBND tỉnh có nội dung trình kỳ họp để kịp thời có ý kiến tham gia đóng góp, giúp cơ quan tham mưu hoàn chỉnh nội dung trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra. Qua đó, giảm bớt tình trạng phải thẩm tra lại vì lý do chất lượng dự thảo nghị quyết và thủ tục, quy trình không bảo đảm; hoặc yêu cầu UBND tỉnh báo cáo giải trình làm rõ khi có nhiều ý kiến khác nhau. Quá trình thẩm tra, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất, các Ban kịp thời báo cáo tiến độ thẩm tra để Thường trực HĐND, Đảng Đoàn HĐND, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

Đối với các dự thảo nghị quyết về những nội dung tác động đến nhiều đối tượng thụ hưởng hoặc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các Ban đã chủ động tham mưu với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu sự tác động để xem xét vấn đề toàn diện, khách quan. Tùy từng nội dung, các Ban lựa chọn tổ chức khảo sát hay lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động để thu thập thông tin. Cùng với đó, chú trọng giám sát việc thực hiện quy định lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động của nghị quyết, bảo đảm các cơ quan soạn thảo đã thực hiện đánh giá tác động, tư vấn và xin ý kiến của các đối tượng liên quan nghiêm túc, công khai. Điều này bảo đảm cho nghị quyết ban hành đi vào cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Sơn La Khóa XIV

Kiên quyết không tiếp nhận những nội dung chưa bảo đảm

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến các Ban của HĐND tỉnh để thẩm tra. Việc gửi hồ sơ đúng thời gian quy định giúp cho các đại biểu chủ động nghiên cứu, tham vấn các đối tượng liên quan được đầy đủ. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn còn một số nội dung chưa được UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiên cứu, tham vấn, thẩm tra của các Ban.

Khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, các Ban HĐND tỉnh cần kiên quyết không tiếp nhận thẩm tra trình HĐND tỉnh đối với các trường hợp gửi chậm so với thời gian quy định. Hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi đến các Ban để thẩm tra phải bảo đảm theo quy định, trong đó phải có báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định... Tránh trường hợp ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định chưa thống nhất, tại hội nghị thẩm tra còn có ý kiến khác nhau, dẫn đến việc các Ban phải trả lại hồ sơ cho cơ quan trình để xem xét, thống nhất lại trước khi trình thẩm tra, gây lãng phí thời gian và chi phí do phải tổ chức thẩm tra nhiều lần. 

Tại hội nghị thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh cần có ý kiến yêu cầu đại diện cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định tham gia phải là người đứng đầu của đơn vị để có đủ thẩm quyền giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm tra. Đối với những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý, các Ban HĐND kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình kỳ họp, đề nghị cơ quan trình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và trình vào thời điểm phù hợp.

LAN HƯƠNG