Phải có kịch bản chống rủi ro trong chuỗi nông sản xuất khẩu

- Thứ Tư, 03/03/2021, 06:47 - Chia sẻ
Hai tháng đầu năm, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu nông sản tại một số địa phương là vùng dịch nhưng khả năng ngành nông nghiệp vẫn đạt mục tiêu xuất khẩu 41 - 44 tỷ USD trong năm nay. Để không làm sụt giảm sản lượng xuất khẩu, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy lưu ý, thời gian tới phải có kịch bản chống rủi ro trong chuỗi nông sản xuất khẩu gồm từ khâu thu hoạch đến bảo quản, sơ chế, đóng gói, kiểm định... đến tận mạn tàu.

Cần bảo đảm tiến độ xuất khẩu ở vùng dịch

- Dịch bệnh bùng phát mạnh trong 2 tháng đầu năm ảnh hưởng tới nông sản xuất khẩu. Theo ông, điều này liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản trên 40 tỷ USD không?

- Tôi cho rằng, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu nông sản từ 41 - 44 tỷ USD vì gạo của Việt Nam vẫn có tín hiệu tích cực.

Nếu nước ta sản xuất ổn định và đạt tổng sản lượng 41 triệu tấn thóc thì xuất khẩu 5,5 - 6,5 triệu tấn gạo là trong tầm tay. Bởi hàng năm thế giới vẫn cần dự trữ 142 triệu tấn; trong đó lượng nhập khẩu là 42,3 triệu tấn. Tuy nhiên, về giá bán tôi băn khăn đôi chút, bởi 2 năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ưu tiên gạo dẻo, gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản... nhưng, tiết giảm tiêu dùng đang là một xu thế trong thời kỳ dịch Covid-19 kéo dài. Do vậy, các thị trường quen thuộc của Việt Nam đang chuyển hướng mua gạo trắng của Ấn Độ có giá rẻ. Đây là sự cạnh tranh khá gay gắt về giá, trong khi Việt Nam chưa chuyển đổi kịp. Tuy vậy tôi cho rằng, chúng ta vẫn đạt được mục tiêu ở mặt hàng này.

Những mặt hàng khác như thủy sản, gỗ... vẫn ổn định ở các thị trường lớn, có sức mua và giá trị gia tăng cao, hy vọng vẫn có hợp đồng đều. Hai tháng tới, chu kỳ dịch Covid-19 sẽ giảm đi, giao thương và xuất khẩu có thể sẽ được bảo đảm.

Duy chỉ còn rau và trái cây là đáng nghi ngại, do thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, kho chứa, kho bảo quản và phương tiện vận tải chuyên dùng... còn ở mức thấp, nên dễ hư hỏng. Nếu gặp ách tắc trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa sẽ không thể đáp ứng được hợp đồng của bạn hàng cả về số lượng và chất lượng. Nếu hợp đồng trục trặc, giao hàng không đúng thời gian, thì hậu quả theo đó là sẽ mất những đơn hàng, hợp đồng mới. Do vậy, khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong mùa dịch cần được ưu tiên.

- Theo ông, làm thế nào để bảo đảm xuất khẩu nông sản không bị ách tắc khi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở những địa phương khác?

- Trước mắt, cần phải có kịch bản chống rủi ro trong chuỗi nông sản xuất khẩu, bao gồm từ khâu thu hoạch đến bảo quản, sơ chế, đóng gói, kiểm định... đến tận mạn tàu. Khung quy định chung trong khâu vận chuyển nông sản bao gồm người lái xe, phương tiện, quy định về phòng chống dịch Covid-19, tránh để xảy ra tình trạng bị ách tắc vận chuyển nông sản như ở tỉnh Hải Dương vừa qua. Hiệu lực của xét nghiệm Covid-19 đối với người lái xe chỉ trong 3 ngày là quá ngắn, trong khi mỗi chuyến xe mất nhiều thời gian, điều này đã cản trở việc vận chuyển. Ngoài ra, một số địa phương lân cận đưa ra quy định bất hợp lý gây khó khăn trong việc vận chuyển nông sản. Vì vậy cần bảo đảm làm sao khâu xét nghiệm phải được thực hiện nhanh, các tỉnh thống nhất chung quy trình về tiêu thụ nông sản.

Điều đặc biệt quan trọng nữa là, chúng ta cần có tư duy và hành động về quản trị nông sản ngay từ vạch xuất phát, tức là các địa phương phải có thiết kế ban đầu, có kịch bản cụ thể để khi dịch bệnh xảy ra không bị lúng túng.

Chẳng hạn như vừa qua có thể thấy, phía đông của tỉnh Hải Dương như Chí Linh, Cẩm Giàng là nằm ở vùng dịch, còn phía tây như Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc chưa có dịch. Đáng ra lúc bấy giờ phải thiết lập vùng đệm hàng hóa, gom hàng từ khu vực có dịch chuyển ra khu vực không có dịch để khử khuẩn và xe đến vận chuyển vô cùng thuận lợi.

Thêm vào đó, tỉnh này cũng không hình thành được hành lang lưu thông. Ngoài đường bộ, Hải Dương vẫn còn những tuyến đường sông rất thuận lợi để đi đến Hải Phòng lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu, nhưng đã không tận dụng được.

		Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khuyến khích tư nhân đầu tư dịch vụ hậu cần

- Có ý kiến cho rằng, cần có những chính sách khuyến khích hình thành những chuỗi dịch vụ hậu cần (logistics) nông sản đặc thù. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng, nếu khuyến khích được doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào mảng dịch vụ hậu cần nông sản sẽ rất tốt. Phát triển hạ tầng về kho lạnh, bến bãi, phương tiện vận tải lạnh... sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với các thị trường xa vùng sản xuất.

Muốn vậy, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay dài hạn; đơn giản thủ tục nhập khẩu các thiết bị lạnh, bảo quản nông sản... Các địa phương nên ưu tiên khu vực đất nằm trong quy hoạch của vận tải, vận chuyển gắn với nguyên liệu để hình thành kho tàng, bến bãi kho lạnh. Khi đó sẽ hình thành các nhà kinh doanh dịch vụ hậu cần trong lĩnh vực nông sản để có thể kết nối được giữa các nhà sản xuất với người nông dân, kết nối cơ sở chế biến đến các đối tác khách hàng trong nước và ngoài nước.

- Ngoài giải quyết vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hóa, làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, thưa ông?

- Trước tiên hàng hóa phải bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn của đối tác. Tiếp đến, có những phương án các kho tàng, bến bãi phải gắn với từng vùng. Hơn nữa, tại cửa khẩu, bến cảng xuất hàng phải có thiết bị kiểm nghiệm, cơ sở kiểm nghiệm để tạo điều kiện cho hàng hóa nhanh chóng được xuất đi. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ sở kiểm nghiệm tại chỗ như vậy.

Đặc biệt, phải tăng công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay chế biến nông sản mới chỉ chiếm 12%. Ngoài ra, yêu cầu tham tán của Bộ Công thương cần làm tốt khâu điều tra, nắm bắt thị trường nước ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng và tìm kiếm thị trường.  

- Xin cảm ơn ông!

An Thiện