Theo kết quả Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quý III/2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, và hàng tồn kho. Hơn 60% doanh nghiệp cho biết mối lo lớn trong giai đoạn này là hàng tồn kho, 34,7% doanh nghiệp cho biết hàng tồn kho quý III/2012 tăng hơn so với quý II.
Về nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, có khoảng 20- 23% doanh nghiệp được hỏi không có nhu cầu vay vốn ngân hàng bởi sử dụng vốn tự có, hoặc không thể vay vốn ngân hàng vì lãi suất cao, hoặc không thể vay vốn vì có nợ xấu và không đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng. Chỉ có khoảng 13% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn từ phía ngân hàng. Điều này cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, nên chính các ngân hàng cũng lại đang xiết chặt các khoản cho vay mới của mình. Chánh Văn phòng Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Trương Ngọc Anh cho biết, thực tế nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua lên đến hàng chục tỷ USD, cứ mỗi một đồng nợ xấu mất đi lại ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng nên Ngân hành Nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc vay vốn. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng thương mại thẩm định chặt chẽ và đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn trong việc lựa chọn khách hàng nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho ngân hàng.
Để khơi thông dòng vốn, theo các chuyên gia, cần có sự ngồi lại với nhau giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía doanh nghiệp, việc tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch tài chính là yêu cầu sống còn trong giai đoạn hiện nay. Còn về phía ngân hàng, cần cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đối với những khoản nợ xấu phát sinh trước đây do doanh nghiệp gặp khó khăn. Đối với những hoạt động kinh doanh mới của doanh nghiệp, ngân hàng nên cải thiện kỹ năng đánh giá doanh nghiệp, tạo ra dòng tiền mới phù hợp với việc sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp tạo tiếp dòng tiền, hồi phục kinh doanh, tạo nguồn tiền trả nợ. Với mong muốn tạo ra lực hút từ thị trường, giải quyết lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện giải pháp tìm kiếm thị trường mới, ¼ doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá bán các loại mặt hàng. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đồng thời, giảm và giữ ổn định giá các yếu tố đầu vào của sản xuất. Tuy hàng tồn kho lớn nhưng đa phần các doanh nghiệp đều không mặn mà gì với giải pháp đưa hàng về nông thôn.
Về phía Chính phủ, Bộ Công thương thời gian qua cũng đã chủ động tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại năm 2012 đã được tăng lên mức 100 tỷ đồng nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn hoạt động xúc tiến thương mại, giúp mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mức độ quyết liệt của các chính sách này còn chưa cao, quy trình thủ tục thực hiện các chính sách quá nhiều công đoạn, chiếm nhiều thời gian nên đôi khi “nước xa không cứu được lửa gần”. Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị, các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý cần được triển khai qua các chương trình cụ thể. Chẳng hạn, đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các cơ quan nhà nước cần gương mẫu trong việc sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất, kể cả từ các sản phẩm nhỏ nhất.
Rõ ràng, điểm mấu chốt để phá “cục máu đông” gây tắc dòng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là việc khơi thông và phát triển thị trường, đặc biệt là việc mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Khi mở rộng được thị trường mới, tăng sức mua của các thị trường truyền thống sẽ làm tăng tổng cầu. Khi tổng cầu tăng lên sẽ giải quyết lượng hàng tồn kho, từ đó cũng sẽ giải quyết được vấn đề nợ xấu của doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng.