Ôn lại truyền thống, tri ân nghệ sỹ

Cao Sơn 11/10/2012 08:21

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, 30 năm thành lập Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, tối 11.10, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức cầu truyền hình trực tiếp giữa Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chương trình nhằm ôn lại truyền thống, tri ân các nghệ sỹ có nhiều đóng góp với nền sân khấu nước nhà. Những câu chuyện phía sau tấm màn nhung của người trong cuộc cũng sẽ giúp khán giả thêm hiểu, thêm yêu và đến gần sân khấu hơn nữa.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã hồi sinh sân khấu Việt Nam. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Việt Bắc tháng 7.1948, các ngành sân khấu được khôi phục, các đoàn văn công được thành lập và nghệ sỹ khắp nơi được tập hợp. Sau ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946, các đoàn văn công cũng cùng đi vào chiến dịch, vừa biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ vừa làm dân công đắp đường, kéo pháo. Trong dòng người tập kết ra Bắc, có các đội quân văn nghệ phía Nam như: kịch nói, cải lương Nam bộ, bài chòi khu 5, ca kịch Trị Thiên, tuồng Bình Định, Quảng Nam… Sân khấu giai đoạn này thật sự có bước phát triển mới, vững chắc về tổ chức và nghệ thuật. Có thể nói, đây là thời kỳ chấn hưng nghệ thuật lần thứ nhất.

Đất nước bị chia cắt, nghệ sỹ cách mạng lại tiếp tục dùng nghệ thuật sân khấu như vũ khí bám dân, bám đất, tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt, sân khấu miền Nam, dưới sự kiểm soát gắt gao, sự mua chuộc bằng nhiều hình thức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng các nghệ sỹ là cán bộ, đảng viên đã lãnh đạo, tổ chức các hoạt động về biểu diễn theo chủ trương của ta, tạo nên hiệu quả lớn trong việc chống lại sự xâm lược của đế quốc; vạch trần bản chất tàn ác, của tầng lớp địa chủ, tay sai. Các tác phẩm sân khấu phía Nam giai đoạn này như tiếp thêm nội lực cho đồng bào miền Nam kiên cường, bền bỉ hơn trong đánh thắng giặc Mỹ giải phóng đất nước.

Đất nước thống nhất, các nghệ sỹ ngành sân khấu cũng đứng trong dòng người vào tiếp quản những vùng đất vừa được giải phóng. Họ đã đem lại niềm vui tươi, lạc quan cho đồng bào miền Nam, đem lại không khí trong lành, hòa hợp... Nhiều tác phẩm sân khấu cách mạng từ Thủ đô Hà Nội, từ các tỉnh, thành phía Bắc lần lượt được ra mắt, biểu diễn phục vụ đồng bào miền Nam. Làn sóng cải lương miền Nam với nhiều nghệ sỹ tài danh cũng lần lượt đi ra miền Bắc. Đất nước một dải, văn nghệ một nhà.

Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã đem đến cho sân khấu diện mạo mới. Sân khấu có thêm nhiều tiếng nói phê phán mạnh mẽ, khơi sâu mọi khía cạnh của cái ác đang che lấp cái thiện. Đồng thời chứng tỏ được, sân khấu đã thật sự là một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng; là một lực lượng nghệ thuật hùng hậu và nhạy bén. Các thế hệ nghệ sỹ đã không ngừng học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, làm giàu cho truyền thống sân khấu Việt Nam. Có thể thấy, từ mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay đã có hàng ngàn vở diễn thuộc các kịch chủng khác nhau, được dàn dựng biểu diễn cho hàng triệu triệu công chúng. Trong số đó không ít vở diễn đã để lại dấu ấn không phai mờ, thực sự là những thành tựu đáng ghi nhận, là kết tinh tài năng sáng tạo và tâm huyết với đất nước của các thế hệ nghệ sỹ sân khấu...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Gs, NSND Đình Quang nhận định, sân khấu hiện nay đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức, giống như một cô gái đẹp nhưng ốm yếu. Vì vậy, mỗi nghệ sỹ đã trót yêu sân khấu thì phải tìm cách chữa bệnh cho người mình yêu. Chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngoài giúp các nghệ sỹ, khán giả ôn lại truyền thống, tri ân các nghệ sỹ có nhiều đóng góp với nền sân khấu nước nhà, thì thông qua những câu chuyện rất thật của người trong cuộc, khán giả sẽ hiểu hơn về những bí ẩn sau tấm màn nhung: những thiệt thòi, chịu đựng vì tình yêu nghề nghiệp, vì một nền sân khấu cách mạng tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; điều này cũng nhằm kéo công chúng, những người quyết định sự tồn vong của nghệ thuật sân khấu, đến gần hơn nữa với sân khấu.

 Qua cầu truyền hình, khán giả cả nước sẽ được xem lại các trích đoạn sân khấu đi cùng năm tháng như: Bài ca giữ nước (chèo), Không còn đường nào khác (tuồng), Sân khấu về khuya (cải lương), Lời thề thứ 9, Dạ cổ hoài lang (kịch nói) do các nghệ sỹ tên tuổi thể hiện. Quá trình ra đời, lớn mạnh của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng chiều dài lịch sử của đất nước, của dân tộc được tái hiện qua các clip tư liệu. Dàn dựng chương trình là đội ngũ đạo diễn, diễn viên, biên tập viên gạo cội như: Doãn Hoàng Giang, Lê Tiến Thọ, Hoàng Khiềm, Lê Thụy, Lê Chức, Thúy Mùi, Trần Nhượng... Cũng trong dịp này, tại TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm về mô hình các thiết kế sân khấu của những vở diễn nổi tiếng...

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ôn lại truyền thống, tri ân nghệ sỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO