Ổn định dân sinh, bảo tồn di sản

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:26 - Chia sẻ
Sau gần hai năm triển khai, đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích I Kinh thành Huế” (Thừa Thiên Huế) đã di dời hàng nghìn hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu về nơi ở mới, trả lại đất cho di tích. Đề án này nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương. Còn với địa phương, đây là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế.

Bài 1: Những ngôi nhà trong mơ

Những ngôi nhà xập xệ, lấn chiếm đất di tích khu vực Thượng thành - Eo bầu (Kinh thành Huế) với hàng ngn hộ dân sinh sống giờ đã trở thành ký ức. Một khu phố với các dãy nhà kiên cố, khang trang mọc lên cách đó chừng 4 - 5km để tái định cư cho một lượng lớn hộ gia đình trong diện di dời. Bà con gọi đó là ngôi nhà trong mơ, bởi chỉ cách đây hơn một năm, họ vẫn lo lắng chưa biết đi đâu, về đâu.

Một dãy nhà ở khu tái định cư Hương Sơ, nơi ở mới của bà con di dời từ Thượng thành, trả lại đất cho di sản - Ảnh: Minh An
Một dãy nhà ở khu tái định cư Hương Sơ, nơi ở mới của bà con di dời từ Thượng thành, trả lại đất cho di sản
 Ảnh: Minh An

Cuộc đời mới mở ra

Những ngày tháng 8 này, đón chúng tôi quay lại thăm nơi ở mới, người dân Thượng thành di dời ra khu tái định cư Hương Sơ nét mặt ai cũng vui tươi. Khu tái định cư trước kia là cánh đồng, sau khi có đề án di dời, đã được chính quyền cho lấp nền, san ủi bằng phẳng, để chia lô, bàn giao cho bà con. Cứ thế, những con đường thẳng tắp với hệ thống điện, cáp quang, cây xanh hình thành, những ngôi nhà tiếp nối nhau được xây cất. Lần lượt, từng hộ gia đình đưa nhau về ngôi nhà mới mà họ đã mơ ước mà tưởng chừng không bao giờ có được.

“Về đây nhà cửa ngăn nắp, đất đai vuông vắng, đường sá sạch đẹp, cuộc sống thay đổi rất nhiều”, chị Lê Thùy Vân - một hộ dân di dời từ Thượng thành ra nơi tái định cư hào hứng. Hơn 20 năm sống trong ngôi nhà chật chội ở Thượng thành với chị Vân và các thành viên trong gia đình là nỗi ám ảnh. Cho đến khi được chính quyền thông báo mời đi bốc thăm nhận đất, xem đất, rồi hỗ trợ tiền xây nhà, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này mừng rớt nước mắt. “Tôi cứ nghĩ mình mơ, nhưng không, đó là sự thật!”.

Giống chị Vân, phần đông người sống trên Thượng thành - Eo bầu thuộc diện di dời đều có hoàn cảnh nghèo khó, chật vật mưu sinh. Có những gia đình 3 - 4 thế hệ nương tựa đất di sản, sống chung trong những ngôi nhà chật chội. Trải qua biết bao trận mưa bão kinh hoàng, giờ đây họ đã phần nào thôi âu lo, trằn trọc khi vừa đến nơi ở mới và cảm thấy nhẹ lòng khi trả lại đất cho di sản.

Bà Lê Thị Nhớ, 80 tuổi, thầm nghĩ cuộc đời mình rồi cũng trôi qua lặng lẽ như bao phận đời khác và chưa từng suy nghĩ sẽ có một ngôi nhà kiên cố. Ấy vậy mà mọi thứ giờ đã khác. “Bây giờ tôi không còn lo gì nữa. Không còn cảnh trời nóng khi về hè, hay nơm nớp lo sợ khi vào mùa bão lũ”. Những người con của bà cũng được cấp đất tái định cư, cất nhà ở gần bên. Từ đây, cánh cửa mới mở ra với thế hệ sau con cháu của bà Nhớ.

Huy động mọi nguồn lực

Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích I Kinh thành Huế” gồm 2 giai đoạn (2019 - 2021 và 2022 - 2025) với hơn 4.200 hộ dân di dời, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đề án, phạm vi giải tỏa bao gồm 4 phường bên trong Kinh thành gồm: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc và Tây Lộc. Ngoài ra, có thêm 3 phường tiếp giáp là Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận.

Ở khu tái định cư Hương Sơ có những dãy phố khi nhắc đến ai cũng biết, với những ngôi nhà được xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Đó là những ngôi nhà nghĩa tình dành cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi ngôi nhà có diện tích khoảng 60m2, bao gồm 1 tầng và 1 gác lửng, kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng. Đến nay, đã có 25 ngôi nhà như vậy được trao.

Theo UBND TP Huế, đến thời điểm này, khu vực Thượng thành đã có 274/289 hộ bàn giao mặt bằng, đạt 94,8%; khu vực các Eo bầu có 225/515 hộ bàn giao mặt bằng, đạt 43,7%; khu vực hộ thành hào và tuyến phòng lộ có 107/1.011 hộ bàn giao mặt bằng, đạt 10,6%. Tổng số tiền chi trả cho các hộ ở những khu vực nói trên 963,61/1.097 tỷ đồng, đạt 87,8%.

Một số khu vực khác như hồ Tịnh Tâm, di tích Trấn Bình Đài… cơ bản đã hoàn thành công tác kiểm kê, thu thập hồ sơ liên quan và đang lên phương án bồi thường, tái định cư trong năm nay. Song song với đó, sẽ lập các thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 đề án với quy mô 1.549 hộ, kinh phí 1.760 tỷ đồng.

Căn cứ Tờ trình 474 ngày 18.01.2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 222 ngày 24.2.2021 về điều chỉnh, bổ sung và áp dụng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Cụ thể, khung chính sách này đã có nhiều quyền lợi hơn, tháo gỡ vướng mắc cho bà con. Trong đó quy định việc bố trí đất cho các đồng thừa kế làm nơi sinh hoạt chung; người có nóc nhà riêng, có hộ khẩu nhưng không có đất tại địa phương; đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương…

Nói về đề án di dân lịch sử này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho hay, Thường trực Tỉnh ủy tích cực nhiều lần làm việc với Quốc hội, Chính phủ, với các bộ, ngành Trung ương, để xin hỗ trợ các nguồn lực tập trung cho việc di dời, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực địa phương để làm tốt công tác tái định cư.

Hy vọng sau khi bà con về khu tái định cư mới đời sống sẽ tốt hơn nhiều. Quan trọng hơn là từ đề án này, có cơ hội phục hồi hệ thống kinh thành, hộ thành hào cũng như các di tích nằm trong Khu vực 1 Kinh thành Huế, làm tốt công tác bảo tồn quần thể di tích Cố đô Huế.

MINH AN