Ô nhiễm chất thải, nước thải: Thách thức cả hiện tại lẫn tương lai

- Thứ Bảy, 28/02/2009, 00:00 - Chia sẻ
Mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% thu nhập quốc dân. “Đến nay, dù Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn, nhưng công tác phát triển các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập”- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận.

03-thach-thuc-5909-300.jpg

Mất 1,3% thu nhập quốc dân mỗi  năm vì chất thải

Chủ đề "Phát triển Đô thị bền vững 2009" được Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với  Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Theo Ngân hàng Thế giới ước tính, mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% thu nhập quốc dân. Còn theo Cục Kỹ thuật Cơ sở hạ tầng, Bộ Xây dựng, sông ngòi, ao hồ ở Hà Nội hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ước tính mỗi ngày tổng lượng nước thải đô thị ở Hà Nội là nửa triệu m3, trong đó 20% là lượng nước thải từ các cơ sở công nghiệp, bệnh viện và các cở sở dịch vụ khác. Chỉ dưới 10% tổng lượng nước thải đô thị được xử lý, số còn lại được đổ thẳng ra sông ngòi, ao hồ bởi tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải hiện chỉ ở mức 265.000 m3 mỗi ngày, thấp hơn 10% so với nhu cầu thực tế.
Hầu hết tất cả các hệ thống thoát nước đô thị đều là hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Các hệ thống này cũ và không được thường xuyên bảo dưỡng nên thời gian ngập cục bộ trung bình là 2-3 tiếng và mức nước ngập lên tới 0,7m. Bộ Xây dựng cũng cho biết tổng khối lượng chất thải rắn ước tính khoảng 12,8 triệu tấn mỗi năm, dự báo sẽ tăng lên 22 triệu tấn vào năm 2020. Ở Việt Nam, chất thải rắn không được phân loại từ nguồn và chôn lấp vẫn là biện pháp chính được sử dụng để xử lý trong khi nhiều bãi chôn lấp đang bị ô nhiễm đến mức báo động.

“Rất khó thu gom và xử lý chất thải nguy hại vì chủ các nhà máy từ chối chuyển chất thải rắn nguy hại cho các công ty được cấp giấy phép xử lý. Hơn nữa, chưa có quy định thống nhất về phí thu gom chất thải rắn nguy hại, điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty xử lý rác.” -Ông Ngô Thành Đức, Phó Ban Quản lý chất thải rắn, Sở TN và MT cho biết.

Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức Karin Kortmann cảnh báo, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả từ những yếu kém trong quản lý nước thải và chất thải rắn. Đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện mục tiêu vào năm 2010, tất cả các thành phố lớn đều có hệ thống quản lý nước thải và các khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải riêng.

Khó cả tiền lẫn cơ chế

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề nói trên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: trước hết là do chúng ta chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp chung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia, đặc biệt là việc huy động nguồn vốn và tổ chức quản lý còn nhiều yếu kém.

Bênh cạnh đó, sức ép của quá trình đô thị hoá, gia tăng dân số, di dân tập trung cao tại các đô thị lớn đã gây tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, cơ chế chính sách phát triển chậm đổi mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có tính pháp lý cao để thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường.

Cụ thể hơn, ông Lindfield - Giám đốc Chương trình Sáng kiến phát triển đô thị châu Á (CDIA) chỉ rõ:  Ngoài vấn đề về vốn, thách thức lớn cho các đô thị trong vấn đề xử lý chất thải đó là  thiếu tính phối hợp giữa tất cả các ngành, các cấp.

Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận. Ông Quân nêu rõ: Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương gần đây đã quan tâm hơn, nhưng công tác phát triển các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Việc triển khai thực hiện các Nghị định về thoát nước đô thị, quản lý chất thải rắn hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng cho rằng, môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu. Trong một quốc gia, như ở Việt Nam, không phải một ngành, một cấp chính quyền nào có thể giải quyết được vấn đề môi trường một cách riêng rẽ mà cần sự phối hợp đa ngành, xuyên suốt từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, điều còn băn khoăn hiện nay là rất khó thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Vì lĩnh vực này thiếu hấp dẫn, khó thu hồi vốn. Trong đó có phần do cách tính phí sử dụng rất phức tạp và thấp, không đủ để chi trả cho chi phí đầu tư, vận hành và thu  bảo dưỡng công trình.

Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức Karin Kortmann chia sẻ kinh nghiệm: “Để khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm nước, nên quy định mỗi gia đình phải đóng hai loại phí: phí rác thải và nước thải và cách tính phí dựa trên độ lớn của căn hộ, số lượng thành viên và lượng nước tiêu thụ. Từ đó tính ra phí cho lượng nước thải.”

Hải Dương