"Nút thắt" đã được cởi bỏ

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:38 - Chia sẻ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được tiếp tục thực hiện và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được kỳ vọng sẽ chấm dứt những tranh cãi xung quanh câu chuyện dạy văn hóa cho các học sinh trường nghề bấy lâu nay. Bởi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 6.2019, việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để học sinh theo học chương trình có thể tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ trì, các trường nghề không được tự đào tạo văn hóa.

Trong khi thực tế, việc dạy văn hóa cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không vướng về luật, mà do thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015 và Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh để bảo đảm học sinh tốt nghiệp các chương trình trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện để liên thông lên các trình độ cao hơn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy trong quý III.2020, làm cơ sở cho việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thực hiện được. Việc chậm ban hành thông tư quy định liên quan khiến việc dạy và học của các trường nghề bị ách lại. Theo tính toán của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm cả nước có hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề. Cộng dồn thì có khoảng 1 triệu học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Việc Phó Thủ tướng đồng ý cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được tiếp tục thực hiện sẽ giúp các em học sinh tốt nghiệp THCS thay vì phải kéo dài thời gian học tập, thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể sớm tham gia thị trường lao động và vẫn được bảo đảm quyền học tập liên thông lên cao hơn, gắn với học tập suốt đời.

Như vậy, "nút thắt" đã được cởi bỏ. Điều này sẽ tác động tích cực tới chủ trương phân luồng học sinh sau THCS hiện nay. Hiện nhu cầu của các em sau lớp 9 đi học nghề ngày càng tăng, nên việc được học văn hóa ngay tại trường càng trở nên cần thiết. Nếu không cho các em được mở rộng cơ hội học tập thì nhiều khả năng các em sẽ không muốn vào học nghề mà cố tiếp tục học THPT rồi thi vào đại học, vừa lãng phí vừa tái diễn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Cùng với đó, hầu hết trường nghề đều đã bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để có thể học văn hóa ngay tại đây.

Việc quan trọng cần làm ngay lúc này là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần có, giúp học sinh chỉ học một chương trình trung cấp tích hợp đầy đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT, có bằng trung cấp, được công nhận tương đương trình độ THPT, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc được liên thông học tiếp lên trình độ cao hơn.

Bên cạnh đó, cần có công cụ tiêu chuẩn, thước đo để đánh giá việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng để các bên liên quan đều yên tâm. Học sinh học trường nghề hệ 9+ khi thi tốt nghiệp THPT ngồi chung với học sinh các trường THPT cũng chính là một cách kiểm tra chất lượng đầu ra. Về lâu dài, cần có lộ trình và giải pháp hạn chế dần việc học song song hai chương trình trung cấp và THPT để có hai bằng. Việc này gây lãng phí cho người học và xã hội bởi giữa hai chương trình có rất nhiều nội dung trùng lặp.

Duy Anh