Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ

Nước Mỹ trở lại

- Thứ Năm, 28/10/2021, 07:12 - Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9 sau 4 năm Mỹ vắng bóng ở khu vực này. Các nhà phân tích cho rằng, bản thân điều đó đã được coi là một thắng lợi cho quan hệ ASEAN - Mỹ, vốn đã không thực sự được chú trọng dưới thời người tiền nhiệm của ông Biden.

Tại hội nghị, diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tối ngày 26.10 giờ địa phương, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN và Mỹ thời gian qua, nhất trí dành ưu tiên cho phối hợp kiểm soát hiệu quả Covid-19 và hỗ trợ lẫn nhau phục hồi bền vững. Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Mỹ cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, tiếp tục cung cấp vaccine, đồng thời kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

	Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ngày 26.10 - Ảnh Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ngày 26.10
Ảnh Reuters

Khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Biden khẳng định, mối quan hệ Mỹ - ASEAN có vai trò "quan trọng và sống còn đối với tương lai toàn bộ một tỷ dân của chúng ta". Ông cho rằng, các nhà lãnh đạo nên mong đợi ông và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Hoa Kỳ hiện diện nhiều hơn ở Đông Nam Á trong tương lai. “Tôi muốn tất cả các bạn nghe trực tiếp từ tôi về sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với mối quan hệ với ASEAN”, ông Biden nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tái tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu trong khu vực, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự nóng lên toàn cầu.

Ông Biden cũng đưa ra cam kết "lâu dài" của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, đồng thời cho rằng hai bên sẽ thúc đẩy các sáng kiến ​​mới nhằm tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN “khi cùng nhau chấm dứt đại dịch Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết một loạt thách thức và cơ hội khác trong khu vực”.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Đồng thời, ông Biden khẳng định sự ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển UNCLOS 1982.

Đây là lần đầu tiên sau 4 năm một Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị của ASEAN, kể từ khi cựu tổng thống Donald Trump dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ tại Manila, Philippines, hồi năm 2017.

Trấn an về Bộ Tứ

Một cách khôn ngoan, ông Biden đã chọn không nhấn mạnh đến mối quan hệ Mỹ -Trung đang xấu đi tại hội nghị cấp cao với ASEAN; đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN - ngay cả trong kỷ nguyên của Bộ Tứ - vẫn quan trọng đối với an ninh của Mỹ. Các thành viên ASEAN, trong số các quốc gia trên thế giới, là những người hiểu rõ nhất về các hành động của Trung Quốc và chính sách ngoại giao có phần khiêu khích gần đây của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị cấp cao ASEAN không phải là nơi diễn ra những quan điểm như vậy trước công chúng.

Tổng thống Biden cũng bảo đảm với ASEAN rằng việc Mỹ gần đây tập trung vào việc can dự với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong cái gọi là nhóm Bộ Tứ (Quad) và thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia không nhằm thay thế vai trò trung tâm khu vực của ASEAN.

Giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Edgard Kagan tuần trước nhấn mạnh rằng, Washington không coi Bộ Tứ là "một NATO châu Á" và không có ý định cạnh tranh với ASEAN. Ông cho biết, Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN để bảo đảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, về khí hậu và giải quyết “những thách thức chung về các vấn đề hàng hải” - một ám chỉ rõ ràng về các yêu sách rộng rãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết: “Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN trên cương vị Tổng thống, vì vậy Tổng thống muốn bảo đảm với họ rằng Đông Nam Á quan trọng với chính quyền của ông”.

Hợp tác chống Covid-19

Trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN đã xử lý rất tốt đại dịch Covid-19 vào năm 2020, thì nhiều quốc gia đã phải vật lộn vào năm 2021, với mức độ lây nhiễm trong nước cao và tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Họ cũng là nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận vaccine.

Chính vì vậy, hợp tác chống Covid-19 cũng là một trong những nội dung nổi bật tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN. Tổng thống Biden đã thông báo tại hội nghị về ý định chi 102 triệu USD cho các sáng kiến ​​mới nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ. Số tiền này sẽ hỗ trợ khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực.

Ông Biden cũng nhắc lại cam kết trong việc giúp khu vực chấm dứt đại dịch và phục hồi sau Covid-19, bao gồm cung cấp hơn 40 triệu vaccine và hơn 200 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN; đồng thời cam kết tiếp tục triển khai Sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN - Mỹ.

Tuy nhiên, ông Biden đã không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ý định quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một khuôn khổ thương mại khu vực mà cựu Tổng thống Trump đã rút khỏi năm 2017. Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên cho biết việc thiếu yếu tố kinh tế trong cam kết khu vực của Hoa Kỳ là một lỗ hổng lớn. "Mảnh ghép quan trọng nhất đối với khu vực, là mảnh ghép kinh tế", nhà ngoại giao nói.

Tuy nhiên, với các chuyến thăm mới đây của các nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ đến Đông Nam Á và sự quan tâm đặc biệt của Nhà Trắng đến nền kinh tế kỹ thuật số, có vẻ như Mỹ sẽ chọn hợp tác trực tiếp với từng quốc gia trong khu vực trong mảnh ghép kinh tế này.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ trên cả 3 khía cạnh, bao gồm an ninh, phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, bao trùm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự hiện diện tích cực, xây dựng của các nước lớn, trong đó có Mỹ, là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, hợp tác, phát triển, an ninh trong khu vực. Thủ tướng nêu rõ mọi vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và cấu trúc an ninh khu vực cần được tham vấn đầy đủ với ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực mà Mỹ dành cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam để ứng phó với Covid-19. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Mỹ tích cực hỗ trợ nâng cao khả năng cảnh báo sớm về các tình huống y tế khẩn cấp thông qua Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại Hà Nội.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh của Hoa Kỳ nhanh chóng cung cấp các hợp đồng mua vaccine của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Đối với các điểm nóng về an ninh, trong đó có Biển Đông, Thủ tướng khẳng định tiếp cận xây dựng và hành xử trách nhiệm đóng vai trò quan trọng, giúp hóa giải nguy cơ, đóng góp cho ổn định và phát triển. Thủ tướng bày tỏ trông đợi Mỹ tham gia tích cực và hợp tác với ASEAN trong bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi tranh chấp, khác biệt được giải quyết hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

 

 

Đạt Quốc