Nữ sĩ thời gió bụi

- Thứ Tư, 17/03/2021, 15:53 - Chia sẻ
Khi được hỏi lý do nào thôi thúc bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên tâm sự rằng: “Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.

Tiểu thuyết dã sử "Nữ sĩ thời gió bụi" vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc. Chỉ với năm chương, nhà văn Lê Phương Liên đã thâu tóm toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một nhà giáo, một thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, tầm nhìn sâu rộng, có chính kiến và tấm lòng rất mực nhân hậu.

Thật khó hình dung về một bà Điểm tài sắc vẹn toàn, không chỉ về cầm kỳ thi họa mà còn có tài võ nghệ. Chẳng thế mà trong một lần một mình về quê, khi gặp cướp bà đã làm cho tên cướp hồn bay phách lạc; hay như những lần bà múa bài Hoa mai quyền dưới trăng cùng anh trai Đoàn Doãn Luân khiến bao người trầm trồ thán phục.

Tiểu thuyết khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm sinh động, gần gũi

Nhà văn Lê Phương Liên đã rất dụng công khi cài cắm các chi tiết làm cầu nối cho các nhân vật có dịp xuất hiện, như khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà đã có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Kiều; tên cướp Đoàn Thị Điểm gặp trên đường về sau trở thành học trò của Hồng Hà nữ sĩ; cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác từng ở với gia đình Đoàn Thị Điểm trước khi tòng quân, và bà đã gặp lại cậu em thân thiết này khi tiễn chồng đi sứ. Tài năng hiếm có, tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm hóa và gây ấn tượng mạnh với tất cả những người có cơ hội được gặp gỡ với bà, từ Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm đến các học trò, người dân làng quê bà cũng như quê chồng khi bà cùng dân làng chữa trị bệnh cho các thương binh trong chiến trận…

Đan cài vào diễn biến cuộc đời Đoàn Thị Điểm, tác giả cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ ngay từ thuở nhỏ, để nàng ứng tác thơ văn, sáng tác truyện kỳ ảo và dịch Nôm "Chinh phụ ngâm" một cách thần tình. Và rất nhiều chi tiết nhỏ khác trong cuốn tiểu thuyết giúp khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm sinh động, gần gũi.

Viết về một nhân vật lịch sử có tầm vóc là điều không dễ dàng. Viết về một phụ nữ 300 năm trước sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc đã mang đầy tư tưởng nữ quyền lại càng là một thử thách. Nhà văn Lê Phương Liên đã tìm cho mình cách tiếp cận dân dã mà thuyết phục, để đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu, trải nghiệm đầy đủ nhân tình thế thái của một nữ sĩ thời gió bụi.

Thái Minh