Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVI

“Nóng” xử lý rác thải và hành vi hủy hoại môi trường

- Chủ Nhật, 13/12/2020, 23:24 - Chia sẻ
Bất cập trong công tác xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn trên địa bàn; tình trạng khai thác, tận diệt giun đất tại một số địa phương nhưng chưa có chế tài xử lý; hay việc nâng cấp hệ thống đường ống nước sạch gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị… là những nội dung được đại biểu chất vấn, yêu cầu làm rõ tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Hòa Bình.

Mới có 4/17 khu xử lý chất thải rắn hoạt động

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Thanh Bình (TP Hòa Bình) đã làm nóng nghị trường khi đặt câu hỏi xoay quanh thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố hiện nay. Vấn đề rác thải của thành phố Hòa Bình đang rất phức tạp khi khối lượng lớn rác thải đắp đống trải dài trên đường Trương Hán Siêu; trong khu công nghiệp Mông Hóa và rải rác nhiều điểm trên đường nội thị. Ngay trong khu vực đất của Công ty CP Năng lượng môi trường Bắc Việt (Nhà máy xử lý rác Bắc Việt) tại xã Thịnh Minh cũng diễn ra việc chôn lấp rác chưa qua xử lý, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu Phạm Thanh Bình yêu cầu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ: Quy hoạch khu vực xử lý rác thải của tỉnh và thành phố Hòa Bình đã có hay chưa và bao giờ thành phố có địa điểm xây dựng nhà máy đủ công suất với công nghệ phù hợp để xử lý hết rác thải của thành phố? Giải pháp của UBND tỉnh trong vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Hòa Bình nói riêng?

	Đại biểu Trần Đăng Ninh (Tổ đại biểu TP Hòa Bình) chất vấn tại kỳ họp Ảnh: Trần Tâm
Đại biểu Trần Đăng Ninh (Tổ đại biểu TP Hòa Bình) chất vấn tại kỳ họp
Ảnh: Trần Tâm

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Anh cho biết: Quy hoạch đất đối với dự án xử lý rác thải của thành phố Hòa Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại Quyết định số 726, ngày 8.4.2019. Cụ thể, gồm các vị trí: Khu xử lý chất thải thành phố Hòa Bình tại xã Yên Mông, diện tích 40ha, giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện 20ha; nhà máy xử lý rác thải thành phố Hòa Bình tại phường Thống Nhất, diện tích 40ha; dự án khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn Hòa Bình tại xã Thịnh Minh của Công ty CP Năng lượng môi trường Bắc Việt, diện tích 10ha.

Theo Quyết định số 2436, ngày 22.10.2018 của UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hòa Bình được quy hoạch 3 khu xử lý chất thải rắn ở Yên Mông, Thống Nhất và Thịnh Minh, với công suất xử lý khoảng 150 - 300 tấn/ngày đêm, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp. Đến nay, khu xử lý chất thải rắn Thống Nhất và Yên Mông chưa được triển khai, do không nhận được sự đồng thuận của người dân. Khu xử lý chất thải rắn Thịnh Minh đã được Công ty CP Năng lượng môi trường Bắc Việt đầu tư khu xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải, công suất xử lý giai đoạn 1 là 100 tấn/ngày đêm, có khả năng xử lý được hết lượng rác thải phát sinh hàng ngày của thành phố.

“Hiện trên địa bàn tỉnh mới có 4/17 khu xử lý chất thải rắn có nhà đầu tư và dự án đi vào hoạt động. Công nghệ xử lý chủ yếu là đốt và chôn lấp, không thu hồi được năng lượng, hiệu quả chưa như mong muốn. Do đó, trước mắt, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng phương án xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn, khuyến khích người dân tự phân loại, xử lý đối với các loại rác thải hữu cơ, dễ phân hủy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tạo điều kiện để các khu xử lý chất thải rắn đã được đầu tư theo quy hoạch hoạt động theo đúng công suất thiết kế, phương án đã được phê duyệt”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trần Anh cũng khẳng định: Về lâu dài, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2436 của UBND tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh phát triển các khu xử lý liên vùng; khuyến khích, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu vực đã được quy hoạch theo công nghệ hiện đại, có khả năng tái chế, thu hồi năng lượng để xử lý rác thải sinh hoạt, thay thế việc chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Có chế tài xử lý nghiêm hành vi hủy hoại môi trường

Trước yêu cầu của đại biểu Quách Thanh Hải (huyện Tân Lạc) về việc giải trình, làm rõ một số bất cập liên quan đến thực hiện Dự án nâng cấp hệ thống đường ống nước sạch trên địa bàn thành phố Hòa Bình gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Công ty CP nước sạch Hòa Bình, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết: UBND thành phố đã yêu cầu Công ty có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố và bảo hành trong thời gian 12 tháng phần hoàn trả theo quy định của pháp luật. UBND thành phố cũng đã yêu cầu Công ty thực hiện ký quỹ hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với số tiền trên 243 triệu đồng.

Liên quan đến phản ánh của các đại biểu về việc dùng xung điện bắt giun đất hủy hoại môi trường tại một số địa phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Anh cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1920, ngày 26.12.2019 gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học. Cùng với việc vận động, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, sơ chế, tiêu thụ giun đất và các sinh vật hoang dã theo quy định. Tuy nhiên, đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, sơ chế, tiêu thụ giun đất, hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về xử phạt.

Đại biểu Trần Đăng Ninh (TP Hòa Bình) nhấn mạnh, đã là vi phạm điều cấm của luật đều phải có mức xử lý phù hợp. Do vậy, các cơ quan phải bố trí lực lượng theo dõi nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý, tịch thu ngay những phương tiện hủy hoại môi trường; nếu nhẹ thì xử lý hành chính, còn nặng phải xử lý hình sự. Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp để có chế tài xử lý sớm nhất; đồng thời, Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh cần giám sát những nội dung đã được chất vấn theo đúng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Trần Tâm