Nông nghiệp không để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 06:30 - Chia sẻ
Áp dụng chuyển đổi số, nông dân không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất mà sẽ trông vào dữ liệu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số: "Chúng ta không thể đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động về phía trước mà phải dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó để khởi hành".
	Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị Ảnh: Hạnh Nhung
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị
Ảnh: Hạnh Nhung

"Trông" dữ liệu thay vì trông trời, mây, đất... 

Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP Việt Nam và gần 40% lực lượng lao động. Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Dư địa phát triển của ngành trong giai đoạn tới rất lớn với mục tiêu giúp nông dân sản xuất ra những nông sản chất lượng tốt, chi phí thấp nhưng bán với giá cao. Tại hội nghị trực tuyến "Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn" ngày 18.6 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nông nghiệp số chính là một trong những chìa khóa thực hiện thành công mục tiêu này.

Theo ông Dũng, chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại nhiều giá trị và giúp giải quyết được nhiều bài toán khó. Đầu tiên là giảm khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán, cho phép thu thập dữ liệu về giá, kết nối nông dân với nhau tốt hơn, không phụ thuộc khoảng cách địa lý. Chuyển đổi số giúp nông dân có một nền tảng dữ liệu số nông nghiệp để khai thác tốt hơn lợi thế của mình. Chiếc chìa khóa này cũng sẽ giải quyết bài toán về khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc nông sản, minh bạch hóa quy trình, tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Đồng thời có thể kết nối các nhà giao vận, tối ưu hóa địa điểm kho hàng và lộ trình giao hàng...

“Áp dụng chuyển đổi số, nông dân không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như cách làm truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp. Nông dân không chỉ mua vật tư nông nghiệp mà còn mua cả dữ liệu", ông Dũng khẳng định.

Trong kế hoạch chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế số nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Cùng với đó, quản lý, giám sát nguồn gốc, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số…, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất.

Bộ cũng đặt mục tiêu xây dựng được 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

"Phải dũng cảm nhảy lên đoàn tàu!"

Dù vậy câu chuyện chuyển đổi số chưa bao giờ dễ dàng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định từ trước đến nay chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng việc thực hiện vẫn rất nhạt nhòa. Sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu, khiến người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường cũng mù mờ về sản xuất. Từ đó sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu nông sản, khi việc kết nối vạn vật, kết nối với người và vật quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu chỉ mang tính chu kỳ.

Lần này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không làm lỡ nhịp đoàn tàu. "Chúng ta không thể đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động về phía trước, mà phải dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó để khởi hành". Muốn làm được điều đó, nền nông nghiệp phải được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, đó là tiền đề để vươn xa. 

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, chuyển đổi số là quá trình học hỏi, thay đổi cách làm nông nghiệp nhờ dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy phải đơn giản hóa những các làm phức tạp để mọi người dễ áp dụng. Với chuyển đổi số, những nơi đi sau thường sẽ về trước, nó có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp vì không có thương hiệu. Sàn thương mại điện tử sẽ giải quyết vấn đề đó nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng, kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân bảo đảm chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.

Việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso và Postmart cho thấy người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến. Từ ngày 1.6 đến nay đã có trên 4,5 triệu lượt người mua vải thiều trên các sàn này. Kỳ vọng thời gian tới sẽ là hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nông sản khác được đưa lên sàn thương mại điện tử, kết nối người mua và người sản xuất. “Các doanh nghiệp công nghệ đã sẵn sàng hoàn thiện các sàn thương mại điện tử cho nông dân. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước cũng đã có đủ hạ tầng, khả năng để đưa nông sản đến từng hộ gia đình trong cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hạnh Nhung