Nông dân là trung tâm, là chủ thể

- Chủ Nhật, 23/05/2021, 07:08 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nông dân phải là trung tâm, là chủ thể; nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Mọi hoạt động của ngành phải xoay quanh, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nông dân. Đây là điều quan trọng nhất.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt hơn 190 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so với mức 40,7% của năm 2015. Có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đã đề ra là 50%. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với năm 2015.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, quá trình phát triển còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định. Những yếu kém nội tại của ngành dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế...

Những điểm yếu, những tồn tại này có thể nhìn nhận rõ nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây vùng kinh tế quan trọng, đóng góp 17,7% GDP cả nước. Năm 2019 đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước... Thế nhưng hơn 10 năm qua, hơn 1,3 triệu người đã rời bỏ quê hương để đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dân số của vùng giảm khoảng 0,3%; tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng tỷ lệ xuất cư cao nhất; giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng dân số là 0%, trong khi trung bình cả nước là 1,14%...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do những thách thức của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường; cấu trúc kinh tế chưa ổn định, nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, hạ tầng giao thông rời rạc, thiếu kết nối... Vậy nhưng, dù lý giải thế nào thì cái hiện hữu trước mắt là tình trạng ly nông, ly hương vẫn đang diễn ra không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà ở hầu hết địa phương trên cả nước.

Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 360 khu công nghiệp tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước. 

Thực tế, không ai muốn rời bỏ quê hương, gia đình, con cái, nhưng vì mưu sinh nên không còn lựa chọn khác. Để rồi, bên cạnh "quả ngọt" là đời sống kinh tế được cải thiện, con cái có điều kiện học hành, là chuyện gia đình tan vỡ, con cái thiếu sự chăm sóc, bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ dẫn đến hư hỏng, sa đà vào tệ nạn xã hội...

Mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra đến năm 2025 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,5 - 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 48 - 50 tỷ USD. Đồng thời tạo các bước chuyển mạnh mẽ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả. Chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững...

Để đạt được mục tiêu này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài việc thay đổi tư duy, phong cách, lề lối làm và tổ chức công việc... thì phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nông dân được hưởng thụ thật...

Muốn vậy, phát triển nông nghiệp phải chú trọng tới yếu tố bền vững, lâu dài, thay vì chỉ chạy theo những lợi ích trước mắt. Quan trọng hơn, nông nghiệp phải thật sự hấp dẫn để "giữ" người dân ở lại quê.

Khánh Ninh