Nơi tuyến đầu chống dịch

- Thứ Năm, 06/08/2020, 06:16 - Chia sẻ
Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19 vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, trong phần báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: “Về tâm lý anh em (các y sỹ, bác sỹ - PV) ở trong này rất ổn định, làm việc rất hăng say. Em xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về!”.

Câu nói của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khiến chúng ta không khỏi xúc động. Câu nói ấy dường như đã vượt ra khỏi ranh giới, tính chất của một cuộc họp thông thường. Đó thực chất là một lời đề nghị của một người với tinh thần trách nhiệm cao với mong muốn duy nhất là được ở lại “điểm nóng” để cùng với Đội phản ứng nhanh “chia lửa” với các y sỹ, bác sỹ  Đà Nẵng đẩy lùi đại dịch.

Ngày 24.7, sau khi có thông tin về trường hợp nhiễm Covid -19 xuất hiện tại Đà Nẵng, các Đội phản ứng nhanh thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đã kịp thời có mặt. Tại đây, thành viên của Đội thường xuyên đến các khu cách ly ở khu dân cư để hướng dẫn quy trình cách ly và tập huấn cho các nhân viên. Đặc biệt tập huấn cho sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng về các phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các đội hướng dẫn cách ly trong khu dân cư. Cùng với đó, Đội cũng hỗ trợ công tác điều trị, để giảm tải bệnh nhân nhiễm Covid-19, thân nhân bệnh nhân, các trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C. Nhờ đó, số lượng người nhiễm trong 2 bệnh viện này đã giảm tải rất nhiều.

Kể từ khi có ca nhiễm đầu tiên trong đợt 2 của dịch Covid-19, Đà Nẵng đã trở thành “ổ dịch”. Để ngăn chặn sự lây nhiễm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có những giải pháp tăng cường nhân lực y tế cho Đà Nẵng nhằm phòng, chống dịch hiệu quả.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta chưa thể quên hình ảnh các bác sỹ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời có mặt ở Bệnh viện Đà Nẵng để chung tay với thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh những y bác sĩ được chụp từ phía sau như đang bước đi rất vội trên hành lang Bệnh viện Đà Nẵng đã khiến nhiều người xúc động. Họ đã dũng cảm bước vào vùng dịch với một tâm thế và tư thế tự tin trước cuộc chiến đầy thử thách. Ở đó, chỉ cần một chút lơ là, một chút thiếu cẩn trọng, y bác sỹ có thể bị trả giá bằng cả sự sống của mình. Rủi ro là điều rất khó định đoán trong đại dịch. Nhưng không vì thế, các bác sỹ nản lòng hay lùi bước. Bởi hơn bao giờ hết, Đà Nẵng và người dân vùng dịch đang cần sự giúp đỡ tận tình, tận tâm từ những hy sinh thầm lặng của các “chiến binh áo trắng”.

Chính sự dũng cảm, tự tin bước vào vùng dịch của các anh, các chị đã truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức, cá nhân cùng hướng về Đà Nẵng nói riêng và vùng có dịch nói chung với những chia sẻ, hỗ trợ ấm áp tình người.

Việt Nam từng được đánh giá là thành công trong phòng, chống dịch giai đoạn đầu. Thành công ấy không chỉ đến từ sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và sự tham gia tích cực của những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, mà còn có sự ủng hộ chung tay của cả cộng đồng. Có nhiều bác sỹ mấy tháng phải “nằm vùng” tại bệnh viện, nơi cách ly. Không ít cán bộ, chiến sỹ đã phải thức thâu đêm nơi tuyến đầu chống dịch. Họ đã không quản ngại gian khó và hiểm nguy để bảo vệ sự sống cho hàng trăm bệnh nhân, cũng như ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Vì sự an toàn tính mạng của người dân, các y bác sỹ đã chấp nhận sự rủi ro để đi vào tâm dịch. Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành, bệnh viện tuyến trung ương và địa phương đã hướng về Đà Nẵng để hỗ trợ, động viên cùng nhau chống dịch. Sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch rất khó đong đếm và thật đáng trân trọng. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ngày 4.8, Ban Chỉ đạo nhận định: Tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Đây là tín hiệu đáng mừng. Với quyết tâm “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”, chúng ta tin rằng, đại dịch sẽ sớm chấm dứt, để những “chiến binh áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch sớm được trở về bình an.

Hà An