Hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Nối nhịp sống, chở niềm tin

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:34 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện thời gian qua đã khẳng định vai trò cầu nối, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Bước tiến dài trong thực hiện nhiệm vụ

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Hồng Sơn, từ những viên gạch đặt nền móng đầu tiên hơn 10 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH (2010 - 2020), đến nay, hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện đang tiến những bước dài trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh, thông qua đội ngũ cán bộ, công nhân viên thuộc Phòng, Tổ CTXH.

Ngành công tác xã hội trong bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Nguồn: ITN

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, thái độ, phong cách phục vụ của người bệnh, chất lượng dịch vụ của bệnh viện tăng lên rất nhiều, trong đó có sự đóng góp tích cực của những người làm CTXH. Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng nhấn mạnh, cơ sở khám, chữa bệnh là môi trường đặc biệt, ở đó thầy thuốc và người bệnh đều căng thẳng, mệt mỏi cần sự trợ giúp. Do vậy, CTXH trong ngành y tế nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh có thể đương đầu với các vấn đề của cá nhân và xã hội liên quan đến bệnh tật, giúp cho họ có thể áp dụng một cách tốt nhất, linh hoạt nhất các dịch vụ chăm sóc y tế hiện có.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 90% bệnh viện thành phố và 80% bệnh viện tuyến huyện có Phòng CTXH; nhân viên các đơn vị này ngày càng tăng số lượng và chất lượng. Giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ CTXH bệnh viện đã thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động hỗ trợ về trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, được Bộ Y tế đánh giá cao. Nhiều mô hình hay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương… đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh.

Chia sẻ về thực tiễn hoạt động CTXH tại Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trí Thức cho biết, bên cạnh các hoạt động từ thiện, hỗ trợ bệnh nhân khó khăn, bệnh nhân điều trị ung thư... trong thời gian qua, đội ngũ CTXH cũng đã góp phần thực hiện tốt truyền thông hướng dẫn người bệnh phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị y tế. Sự phối hợp nhịp nhàng của đơn vị cùng các khoa lâm sàng đã kịp thời phát hiện và giúp đỡ nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp người bệnh không còn nợ viện phí, có thể dư chi phí cho những lần tái khám về sau cũng như chăm sóc, phục hồi sức khỏe tại nhà. Mỗi ngày, Phòng CTXH đều cho nhân viên phục vụ người bệnh nước uống, bánh và trái cây miễn phí vào khung giờ 8 giờ và 15 giờ, với tinh thần phục vụ mỗi bệnh nhân ở đây như là một hành khách ngồi trên ghế hạng thương gia để "nối nhịp sống, chở niềm tin" cho họ…

Là bệnh viện tuyến cao nhất về nhi khoa của toàn miền Bắc, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 5.000 trẻ em đến thăm khám ngoại trú và hơn gần 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú, Trưởng phòng CTXH Dương Thị Minh Thu cho biết, đội ngũ, bác sĩ bệnh viện cũng như cán bộ phòng CTXH luôn tâm niệm không chỉ chú trọng công tác chuyên môn mà còn tích cực chăm lo đời sống tinh thần của các bệnh nhi và gia đình người bệnh. Tính đến thời điểm này, với sự hỗ trợ của các tấm lòng vàng trong và ngoài nước, Bệnh viện đã có 7 phòng chơi, 1 lớp học hi vọng khang trang, hiện đại dành cho các bệnh nhi điều trị nội trú.

Nhìn nhận đúng về ngành CTXH

Mặc dù đạt những thành tựu nhất định, song, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, nghề CTXH trong bệnh viện gặp không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như hệ thống chính sách về CTXH trong bệnh viện chưa rõ ràng, chưa cụ thể; chưa có chuẩn năng lực, tiêu chuẩn đạo đức cho nhân viên CTXH trong bệnh viện. Các hoạt động CTXH trong bệnh viện còn nặng về đón tiếp, chỉ dẫn thông tin, vận động nguồn lực hỗ trợ từ thiện… Tỷ lệ được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH trong bệnh viện còn chưa cao; kinh phí cho hoạt động CTXH chưa được quan tâm, chú trọng; một số nơi vẫn còn "cắt gọn" bộ phận CTXH.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là một nghề mới, nhiều người trong cộng đồng chưa hiểu, cán bộ làm CTXH trong các bệnh viện chưa được đào tạo chính quy về kỹ năng và nghiệp vụ. Tình trạng quá tải bệnh viện, sức ép chuyên môn, đặc biệt trong thiên tai, dịch bệnh làm cho cán bộ, lãnh đạo ít có thời gian quan tâm, chú trọng đến CTXH.

Theo các chuyên gia, phải nhìn nhận đúng về vai trò của những người làm CTXH trong bệnh viện. Lâu nay, xã hội vẫn thường quan niệm, CTXH là cầu nối để làm từ thiện, trong khi thực tế, đây là bộ phận chăm lo rất nhiều cả về vật chất và tinh thần cho người bệnh. Do đó, các đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ Y tế, các bệnh viện, các cơ sở y tế cần tập trung hoàn thiện, bổ sung hệ thống hành lang pháp lý cho nghề CTXH. Tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân, giúp họ hiểu thêm về vai trò, nhiệm vụ của ngành CTXH là giúp đỡ cho người bệnh, giúp giải tỏa được những vướng mắc, băn khoăn của các bệnh nhân tỉnh nghèo tham gia điều trị tại các bệnh viện lớn.

Ngoài ra, cần xây dựng những chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, chương trình cho các giảng viên từ đại học đến trung học tham gia vào công tác đào tạo nhân lực trong các bệnh viện. Để hoạt động của ngành CTXH đạt hiệu quả, lãnh đạo các cơ sở y tế cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động, tăng cường hợp tác quốc tế, giúp mang lại nhiều hoạt động hữu ích hơn cho người bệnh.

Thảo Mộc