Nỗi lo “chảy máu lao động”!

- Thứ Năm, 12/08/2021, 06:24 - Chia sẻ
Vaccine phòng Covid-19 sẽ được ưu tiên cho những địa phương có nhiều ca nhiễm, ca tử vong, tập trung nhiều khu công nghiệp; tốc độ tiêm được đẩy nhanh hơn so với trước... Những dấu hiệu tích cực về tiêm chủng như vậy đang mở ra triển vọng khôi phục sản xuất tại các tỉnh phía Nam trong quý IV. Tuy nhiên, một khó khăn khác mà các doanh nghiệp khu vực này có thể phải đối mặt trong thời gian tới là thiếu hụt lao động.

Ngay trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, một điều nghịch lý là doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng như trước mà lại lo không có đủ lao động để đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu. Tình trạng thiếu lao động phổ biến trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy sản...

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp may mặc đã có đơn hàng với kế hoạch sản xuất kéo dài đến cuối năm nay, thậm chí sang cả năm tới do nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng ở các thị trường lớn dần tăng trở lại khi kinh tế được phục hồi. Tuy vậy toàn ngành giờ chỉ vận hành 10 - 15% công suất. Nhiều lao động từ các trung tâm công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… ồ ạt về quê tránh dịch khiến những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” không có đủ công nhân. Đáng lo hơn, tình trạng này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi doanh nghiệp sản xuất trở lại. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến đến lúc khôi phục sản xuất sẽ chỉ còn lại 60% lao động. Khi đó, việc duy trì sản xuất, đáp ứng kịp tiến độ các đơn hàng là thách thức rất lớn. 

Tương tự, đơn hàng của ngành chế biến gỗ hiện rất dồi dào. Gần 600 doanh nghiệp thành viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh - chủ yếu có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây - đang chạy đua sản xuất. Vậy nhưng số lao động ở lại làm việc nhiều lắm cũng chỉ đạt 60 - 70% khiến doanh nghiệp vô cùng lo lắng vì có thể không kịp trả các đơn hàng đúng hẹn. Tình trạng thiếu hụt lao động của ngành gỗ đã diễn ra khá lâu, khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn và sau dịch có thể còn khó khăn hơn nữa.

Trước nguy cơ “chảy máu lao động”, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để giữ chân họ như tăng lương hoặc duy trì trả lương, đóng bảo hiểm cho lao động đang tạm nghỉ việc. Dù phải mất thêm chi phí doanh nghiệp cũng chấp nhận bởi khi dịch qua đi, không có công nhân thì không thể khôi phục sản xuất và trả kịp các đơn hàng.

Thật khó nói về chuyện phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch nếu như chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy. Trong Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa ban hành, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động.

Sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để kêu gọi những lao động đã về quê tránh dịch quay lại thành phố nếu như họ chưa chắc chắn về khả năng kiểm soát bệnh dịch. Vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ, tăng lương, chăm lo tinh thần thì tiêm vaccine cho công nhân, người lao động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Thời gian tới, Chính phủ nên tập trung giải ngân mảng y tế và gói hỗ trợ người lao động mất việc làm nhằm giữ chân họ, tránh tình trạng đứt gãy sản xuất, thiếu hụt lao động sau này khi người lao động đang dần bỏ về quê.

Hà Lan