Chuyên mục Lời nói và Hành động

Nổi bật nhất là song hành phát triển đô thị và nông thôn

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:49 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam ĐÀO NGỌC NGHIÊM, một trong những kết quả nổi bật nhất mà ngành xây dựng đạt được trong thời gian qua là đã song hành đẩy mạnh đô thị hóa và nông thôn mới, thay vì chỉ tập trung phát triển đô thị như trước đây.

Đẩy mạnh phát triển đô thị, nâng tầm nông thôn

Nhìn lại công tác quản lý, điều hành của Bộ Xây dựng thời gian qua, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật?

- Có thể thấy, Bộ Xây dựng đã làm được nhiều việc trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến là Bộ đã tăng cường công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn; kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Bộ đã chủ trì soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Luật Quy hoạch và được thông qua năm 2017; xây dựng Luật Kiến trúc (thông qua năm 2019); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030...

Ông Đào Ngọc Nghiêm

Trong các kết quả đạt được, nổi bật nhất là Bộ Xây dựng đã song hành đẩy mạnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, thay vì chỉ chú trọng phát triển đô thị như trước đây. Hiện, nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu với trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần tôn tạo, chỉnh trang diện mạo kiến trúc, cảnh quan vùng nông thôn. Tỷ lệ xã có quy hoạch chung xây dựng xã đạt 99,7%. Ở nhiều địa phương như Hà Nội đã nâng tầm nông thôn khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao (vượt 19 tiêu chí theo quy định).

Với đô thị hiện đã có bước phát triển khá mạnh, đặc biệt là sau Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đặc biệt, hiện đã không còn hiện tượng cho "nợ tiêu chí" trong nâng tầm đô thị. Việc đánh giá phân loại đô thị toàn diện hơn, bao gồm đánh giá cả nội thành và ngoại thành. Nhờ vậy, chất lượng đô thị cũng dần được nâng cao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 39%.

Bên cạnh đó, trong xây dựng đã chú trọng đến quản lý xây dựng theo định hướng phát triển và văn bản thể chế. Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng cũng đã có nhiều tiến bộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cần đào tạo đội ngũ làm quy hoạch tích hợp

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Bộ Xây dựng thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế, từ công tác quy hoạch đến quản lý xây dựng. Theo ông, đâu là hạn chế, thách thức lớn nhất với ngành xây dựng hiện nay?

Tỷ lệ đô thị hóa hiện đạt trên 39%.
Nguồn ITN

Thách thức cũng là bất cập lớn nhất hiện nay là triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Đa số tỉnh, thành đã có chương trình nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh theo Luật Quy hoạch (tức quy hoạch tích hợp), song việc phải bảo đảm sự thống nhất với tính hiệu lực của các quy hoạch hiện hành đang là thách thức rất lớn!

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm đến việc tháo gỡ vấn đề này khi ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16.8.2019 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, đưa ra định hướng quá độ trong quá trình thực hiện. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn gây lúng túng trong triển khai thực hiện.

Một phần nguyên nhân còn bởi, trước đây, công tác đô thị và quy hoạch do Bộ Xây dựng quản lý chung nhưng hiện đầu mối làm quy hoạch tích hợp lại tập trung về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Luật Tổ chức Chính phủ mới có 12 chuyên ngành giao cho các bộ quản lý, trong đó lĩnh vực xây dựng cũng không do một đầu mối mà giao cho nhiều bộ, ngành khác quản lý công trình chuyên ngành. Do vậy, Bộ Xây dựng dù có chuyên môn, song nhiều khi chỉ đóng vai trò là thành phần và chỉ hướng dẫn thực hiện.

Một thách thức rất lớn nữa là tình trạng điều chỉnh quy hoạch khiến dư luận bức xúc, người dân mất niềm tin. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, ngay tại Hà Nội, trong số hơn 4.000 dự án nhà ở triển khai thì 32% có điều chỉnh quy hoạch, thậm chí có dự án điều chỉnh 4 - 5 lần, thay đổi hẳn không gian cũng như quy mô dân số.

- Thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch đã được thể chế hóa, như tại chương IV Luật Quy hoạch về thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch, thế nhưng dư luận vẫn bức xúc thì có thể lý giải thế nào?

- Trên thế giới, việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu. Chúng ta cũng đã thể chế hóa việc này. Vấn đề dư luận quan tâm là trình tự, thủ tục, nội dung điều chỉnh thế nào? Dù chúng ta đã có quy định nhưng thực hiện lại chưa nghiêm.

Chẳng hạn, theo quy định, muốn điều chỉnh quy hoạch phải xác định được lý do, trình lên cơ quan có thẩm quyền thông qua nội dung xin được điều chỉnh, lấy ý kiến các cơ quan quản lý chuyên môn và nhân dân. Sau đó, có tổ chức tư vấn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh và phải lấy ý kiến của các bên. Khi được thông qua, phải công bố công khai và phối hợp các bên giám sát thực hiện. Đáng tiếc, việc xác lập vai trò của người dân và công khai điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa được thực hiện tốt.

­

- Thời gian tới, ngành xây dựng cần lưu ý những vấn đề nào trong công tác quản lý, điều hành, thưa ông?

Bộ Xây dựng phải đồng thời làm nhiều việc. Đó là phải sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thêm nữa, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm. Do vậy, ngành xây dựng, tài nguyên môi trường cần nghiên cứu để tính đến vấn đề này trong Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai và các quy chuẩn liên quan.

Quản lý xây dựng đã có nhiều cố gắng, đặc biệt là mô hình đưa thanh tra xây dựng về các quận, huyện là một mô hình tốt. Trước kia, thanh tra đã ở các quận, huyện nhưng sau đó lại tập trung ở các sở xây dựng. Bây giờ, để hoạt động quản lý tốt hơn, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị cần xác lập vai trò này. Bởi hiện nay, việc quản lý thi công xây dựng, thanh tra phát hiện sai phạm rất chậm, công trình thi công bụi mù mịt mà chẳng ai quản lý.

- Vậy còn đối với việc thực hiện Luật Quy hoạch, ông có gợi ý gì để bớt lúng túng hơn trong thực hiện?

- Cùng với việc các bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự đốc thúc của Thủ tướng, cần sớm đào tạo được đội ngũ nhân lực làm quy hoạch tích hợp, nếu không sẽ khó tạo ra “cuộc cách mạng” nào trong quy hoạch.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện