Chuẩn bị bầu cử tại Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng

Nỗ lực đưa thông tin bầu cử đến với đồng bào dân tộc thiểu số

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 05:39 - Chia sẻ
Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng đều là các tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đòi hỏi phải chú ý hơn khi tiến hành các hình thức thông tin tuyên truyền về bầu cử. Do vậy, khi giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia hết sức quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền để đồng bào các dân tộc hiểu rõ, nắm chắc quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, từ đó hăng hái đi bỏ phiếu trong ngày hội toàn dân 23.5 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thị sát điểm bỏ phiếu tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Ảnh: Thanh Hải

Có những đặc thù nhất định

Có đông đồng bào dân tộc thiểu số là đặc điểm chung của ba địa phương mà Đoàn giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đến làm việc. Lào Cai, Cao Bằng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có một số dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, chưa có tiếng nói, chữ viết. Trong khi với Yên Bái, dù các dân tộc thiểu số chính trên địa bàn tỉnh đều có chữ viết và tiếng nói, thuận lợi hơn nhưng công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử đến với đồng bào cũng vẫn gặp một số khó khăn nhất định.

Lưu ý với các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở sẽ chỉ phát huy hiệu quả tốt ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông đảo người Kinh sinh sống. Song khi thực hiện tuyên truyền ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân tộc thiểu số sinh sống phải chú ý một số điểm đặc thù. Trong đó, cần quan tâm xây dựng chương trình tuyên truyền qua kênh phát thanh bằng tiếng dân tộc, vì khi đi làm nương rẫy, đồng bào nghe đài tiếng nói rất nhiều.

Để ngày bầu trở thành ngày hội toàn dân, mỗi đồng bào dân tộc thiểu số phải có được đầy đủ thông tin về sự kiện này. Từ thực tế khi chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ kinh nghiệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiên quyết chỉ đạo phải lập chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu - là dân tộc thiểu số có số lượng người sinh sống đông trên địa bàn tỉnh, để đưa thông tin về bầu cử, cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với đồng bào.

Thực tế, qua làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Bầu cử, cơ quan chức năng của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng, Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng nắm được một số khó khăn trong thực hiện công tác này tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Như chia sẻ của đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, trong thời gian ngắn tổ chức nhiều công việc cùng lúc ở các cấp, các ngành, nên công tác tuyên truyền dù được quan tâm, nhưng cũng có những lúc chưa đồng đều. Ngoài ra, do địa hình rộng, chia cắt, đi lại khó khăn, trong khi phương tiện tuyên truyền còn thô sơ, nên nhìn chung các báo cáo viên, đội ngũ xe loa tuyên truyền gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác này. Khi trời mưa, có tuyên truyền viên đi xe máy lên núi bị ngã, được dân bản hỗ trợ, hay các thầy giáo, cô giáo cũng phải tham gia vận chuyển phương tiện truyền thanh vào những khu vực ở xa...

Cũng theo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, đội ngũ báo cáo viên là người dân tộc còn ít, nên khó khăn khi tuyên truyền thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, vì không biết tiếng nói, ngôn ngữ của đồng bào. Trong khi đó, nhà sinh hoạt văn hóa ở nhiều địa bàn diện tích nhỏ, khó tập trung đông người, buộc phải chia nhỏ các buổi tuyên truyền, tăng khó khăn cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Nhiều mô hình hay

Mặc dù có không ít thách thức như vậy, nhưng phụ trách Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan văn hóa, phát thanh, truyền hình thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền sinh động. Bên cạnh những hình thức tuyên truyền được áp dụng phổ biến, tỉnh Lào Cai đang triển khai mô hình ban tuyên vận, tổ tuyên vận. Hàng tháng, các ban tuyên vận ở cấp xã, tổ tuyên vận ở thôn, bản thực hiện xuất bản bản tin, tiến hành tuyên truyền, vận động. Thông qua các ban tuyên vận, tổ tuyên vận, thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được đưa đến người dân bằng tiếng dân tộc ở thôn, bản, khu dân cư. Do vậy, ông Giàng Seo Vần khẳng định, đến thời điểm này, cử tri, người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều nắm chắc thông tin về bầu cử, tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử 23.5.

Yên Bái có một số thuận lợi trong thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử, khi trong số 30 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, 6 dân tộc vừa có chữ viết, vừa có tiếng nói nên có thể tuyên truyền qua phát thanh, tờ gấp tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp về bầu cử. Nhưng để thực hiện hiệu quả công tác này, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, phải kể đến đóng góp của hệ thống truyền thông cơ sở sâu rộng khi trong số 173 đơn vị hành chính cấp huyện có tới 150 huyện, thị trấn có đài phát thanh cấp huyện. Những đài phát thanh này nối dài thông tin đến cấp xã, thậm chí tại huyện Mù Cang Chải có phát thanh bằng tiếng Mông. Ngoài ra, các đội văn hóa lưu động trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động sáng tạo, khi mở mô hình xe loa bằng xe máy đến vùng sâu, vùng xa. Các xe này không chỉ có loa, ghi âm, mà có cả micro để giải thích trực tiếp những ý kiến, băn khoăn của người dân tộc thiểu số hay người Kinh sinh sống trên địa bàn.

Chính quyền các cấp còn sử dụng trên 2 nghìn báo cáo viên là bí thư, chủ tịch MTTQ xã, bí thư tổ dân cư... để thực hiện tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố, thôn, làng. “Việc lồng ghép nhiều phương thức truyền thông nhằm bảo đảm tạo sự thống nhất về thông tin bầu cử, song vẫn có sự thu hút khi đưa đến với đồng bào dân tộc thiểu số”, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết.

Bên cạnh hình thức truyền miệng, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, hay các hình thức tuyên truyền trực quan (pa nô, khẩu hiệu, băng rôn), theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Cao Bằng, trên địa bàn tỉnh thực hiện một số hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thi tìm hiểu về bầu cử, chiếu phim lưu động tại vùng cao. Đồng thời, Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền bầu cử tỉnh cũng động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội phối hợp thực hiện. Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, việc tham gia cuộc thi này trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Báo Đại biểu Nhân dân… giúp phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết, kiến thức của người dân về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Có thể thấy, sau khi các địa phương hoàn thành hội nghị hiệp thương lần ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh để mỗi người dân, cử tri đều nắm chắc thông tin về ứng cử viên, quy trình, thủ tục thực hiện bầu cử… Những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình rộng, bị chia cắt, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có nhiều thách thức hơn khi thực hiện công tác này. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành ở Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng, đã có nhiều mô hình hay để mang thông tin về cuộc bầu cử đến với người dân. 

Thanh Hải