Hoạt động của HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nỗ lực, chất lượng và hiệu quả

- Thứ Năm, 25/03/2021, 07:06 - Chia sẻ
Với những đại biểu dân cử ở HĐND tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 - nhiệm kỳ đầu tiên triển khai thực hiện theo tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và nhiều luật khác liên quan đến quyền hạn của HĐND là một nhiệm kỳ kế thừa và đổi mới. Mặc dù còn đó những trăn trở, băn khoăn khi lời hứa trước cử tri chưa thực hiện được trọn vẹn nhưng nhìn tổng thể, bằng những con số minh chứng, bằng trách nhiệm chính trị và sự cầu thị của mỗi đại biểu, có thể khẳng định: Hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã có nhiều nỗ lực, chất lượng và hiệu quả.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016 - 2021
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016 - 2021

Giữ lời hứa với cử tri

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi nằm phía Nam Tây Nguyên, có diện tích rộng (9.783km2), địa hình đồi núi, giao thông phức tạp; dân số trên 1,31 triệu người với 47 dân tộc. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72% (một số dân tộc chiếm tỷ lệ cao, như: Kơ Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông...). Hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh do đó cũng nhiều khó khăn khi tiếp cận với ý nguyện của dân, vì văn hóa, tập quán các dân tộc có khác nhau.

Dù ở cuối nhiệm kỳ, nhưng nhiệt huyết của các đại biểu HĐND tỉnh vẫn luôn cháy bỏng như ngày nào - khi còn là những ứng cử viên, băng đồi, vượt suối đi TXCT vận động bầu cử. Thường mùa mưa ở Lâm Đồng từ tháng 4 đến tháng 10, lúc này, người dân trồng trà, cà phê, cây ăn trái, rau, hoa... phải bám rẫy, bám vườn để mưu sinh, bắt đầu mùa vụ mới. Những cuộc TXCT vì thế cũng phải “bám” dân, vào tận khu vực dân đang sản xuất, làm nương rẫy chứ không thể gọi họ về các hội trường ở trung tâm xã, huyện để “tiếp xúc”. Một số ứng cử viên từng trải nghiệm tiếp xúc với bà con vùng nương rẫy sau này trở thành đại biểu đã hứa rằng, mình sẽ giữ lời hứa với cử tri, sẽ quay trở lại với họ không chỉ ít nhất một lần mà phải nhiều hơn thế, và họ đã giữ lời hứa.

Trong nhiệm kỳ, gắn với việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hầu hết những cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng không tập trung ở huyện mà về các xã và tận thôn, tổ dân phố nên đại biểu và cử tri có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ thân mật, trao đổi, lắng nghe nhiều hơn để đôn đốc giải quyết những ý nguyện chính đáng của cử tri và Nhân dân. Qua đó, mối liên hệ “máu thịt” giữa đại biểu và cử tri ngày càng được củng cố và tăng cường.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, hoạt động TXCT của đại biểu trước và sau mỗi kỳ họp thường lệ đã có nhiều cải tiến. TXCT 3 cấp HĐND được thực hiện ở nhiều địa bàn giúp tiết kiệm được thời gian, công sức của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị được các đại biểu phân loại, tiếp thu đầy đủ, nhiều ý kiến kiến nghị được giải trình ngay tại hội nghị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin là một bước đột phá trong công tác thu thập thông tin, quản lý, điều hành, tạo điều kiện để đại biểu đối chiếu thông tin do cử tri phản ánh một cách nhanh chóng, đa chiều; có khả năng đáp ứng tại chỗ đối với một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Trong nhiệm kỳ, có 32.974 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến đại biểu HĐND các cấp; tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt khoảng 83,12%.

Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Xác định chất lượng các kỳ họp là yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm phát huy quyền sinh hoạt chính trị toàn dân, đưa ý nguyện của Nhân dân vào nghị trường, nâng cao khả năng tham gia của người dân vào công việc của Nhà nước thông qua người đại diện của mình, Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng đã rất coi trọng việc chuẩn bị kỳ họp, thường xuyên rút kinh nghiệm và có những cải tiến hợp lý, dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, chất vấn những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm để kỳ họp đưa ra các quyết định, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. 220 nghị quyết (trong đó có 75 nghị quyết quy phạm pháp luật) quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương trong nhiệm kỳ đều bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý, phù hợp với thực tiễn, được Nhân dân trong tỉnh đồng tâm thực hiện, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của tỉnh.

Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 5/10 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 3,15%, tốc độ tăng GRDP bình quân hàng năm trong giai đoạn từ 2016 - 2020 đạt 6,83%. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. GRDP bình quân đầu người đạt 71,2 triệu đồng/người/năm 2020, (tương đương 3.053 USD), cao hơn bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 3,58%. Thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra cho 5 năm 2016 - 2020 (3 chỉ tiêu không đạt do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 gồm: Tốc độ tăng GRDP, kim ngạch xuất khẩu và tổng lượng khách du lịch).

Cùng với chức năng quyết định, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Lâm Đồng với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, có chất lượng cao, phạm vi và đối tượng rộng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh giám sát tại kỳ họp, phiên giải trình và các hình thức khác, Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, các Ban HĐND tổ chức 41 cuộc. Các cuộc giám sát, khảo sát được lập kế hoạch và sắp xếp, bố trí thời gian khoa học, phối hợp chặt với các cơ quan của Quốc hội và HĐND cấp huyện, xã, hạn chế thấp nhất sự chồng chéo. Tuy vậy, giám sát tại kỳ họp, phiên giải trình còn nhiều điều bỏ ngỏ, số lượng ý kiến chất vấn tại các kỳ họp chưa nhiều, chưa truy vấn đến cùng nội dung chất vấn. Kết quả thực hiện lời hứa sau chất vấn và trả lời chất vấn trước HĐND chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng của cử tri...

Với những đại biểu dân cử ở HĐND tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 - nhiệm kỳ đầu tiên triển khai thực hiện theo tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và nhiều luật khác liên quan đến quyền hạn của HĐND là một nhiệm kỳ kế thừa và đổi mới. Mặc dù còn đó những trăn trở, băn khoăn khi lời hứa trước cử tri chưa thực hiện được trọn vẹn nhưng nhìn tổng thể, bằng những con số minh chứng, bằng trách nhiệm chính trị và sự cầu thị của mỗi đại biểu, có thể khẳng định: Hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đầy nỗ lực, có chất lượng và hiệu quả.

VÂN NGUYÊN