Trung Quốc:

Nỗ lực bảo vệ “Mẹ sông”

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 07:39 - Chia sẻ
Luật Bảo vệ sông Dương Tử của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1.3.2021. Luật quy định rõ tất cả các khía cạnh pháp lý về bảo vệ sinh thái của sông Dương Tử cùng sự phát triển dọc theo lưu vực của nó. Đây là luật bảo tồn một lưu vực sông cụ thể đầu tiên và cũng là nỗ lực của đất nước gấu trúc trong việc gìn giữ con sông dài nhất châu Á này.

Gìn giữ lá chắn an ninh sinh thái

Được thông qua vào cuối năm 2020, với 96 điều khoản trong 9 chương, luật tăng cường giám sát cũng như ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước ở lưu vực sông Dương Tử. Văn bản pháp lý này bao gồm quy hoạch tổng thể tài nguyên đất, phân bổ tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô nhiễm nước, phục hồi sinh thái, phát triển tổng thể, nâng cấp và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống và trách nhiệm pháp lý.

Trải dài hơn 6.300km, sông Dương Tử là niềm tự hào của Trung Quốc với sự đa dạng sinh học phong phú cùng nguồn tài nguyên khoáng sản và nguồn nước trong lưu vực của nó. Còn được gọi với tên khác là sông Trường Giang, đây là con sông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc và thường được ví là “Mẹ sông”. Thực vậy, lưu vực sông chiếm 35% tổng lượng tài nguyên nước, 40% chủng loại cá nước ngọt, hơn 200 trong tổng số khoảng 460 khu bảo tồn tài nguyên giống thủy sản cấp quốc gia của Trung Quốc. Có thể nói, sông Dương Tử được coi như “lá chắn an ninh sinh thái quan trọng” của nước này. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức cũng như tình trạng ô nhiễm từ lâu đã đe dọa đời sống thủy sinh và làm cạn kiệt nguồn cá của sông.

Vì vậy, luật ghi rõ, việc đánh bắt cá vì mục đích thu lợi bị cấm trong các khu vực bảo tồn sinh vật thủy sinh của lưu vực sông Dương Tử. Ngoài ra, luật quy định thêm rằng, trong thời hạn do nhà nước quy định, việc đánh bắt có mục đích thu lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cấm ở các vùng nước chính của Dương Tử bao gồm sông chính, các nhánh chính, hồ, và khu vực cửa sông cụ thể.

Theo luật, các nỗ lực thực thi pháp luật chung cũng sẽ được thực hiện để giải quyết vấn đề khai thác cát trái phép và các hình phạt cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đối với các hành vi gây nguy hại cho môi trường lưu vực sông. Cụ thể, đối với hành vi khai thác cát trái phép, ngoài việc thu giữ tàu bè vi phạm, mức phạt cao nhất được đưa ra đã tăng từ 300.000 nhân dân tệ (khoảng 46.000 USD) lên dưới 20 lần giá trị hàng hóa bị xử lý hoặc tối đa là 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 310.000 USD). Trong khi đó, việc vi phạm quy định cấm xây mới, mở rộng các khu công nghiệp hoặc dự án hóa chất cũng bị phạt lên đến 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 775.000 USD)…

Một phần của sông Dương Tử, Trung Quốc

Nguồn: ITN 

Ý nghĩa lịch sử của luật

Luật Bảo vệ sông Dương Tử không chỉ tượng trưng cho luật đầu tiên quản lý một thung lũng sông lớn của Trung Quốc, mà còn là quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển xanh của toàn bộ lưu vực sông, bao gồm 11 tỉnh và thành phố và chiếm gần một nửa nền kinh tế đất nước. Đây cũng là bảo đảm pháp lý cơ bản cho việc Trung Quốc thực hiện các cam kết theo Hiệp định Khí hậu Paris, cắt giảm hơn 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.

5 năm trước, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi “đẩy mạnh bảo tồn sông Dương Tử và ngăn chặn sự phát triển quá mức của sông” để định hướng cho chính sách phát triển kinh tế ở lưu vực sông, tình hình ở đây vốn dĩ đã ở trong tình trạng đáng báo động về môi trường. Hơn 400.000 doanh nghiệp hóa chất, năm khu liên hợp gang thép lớn, 7 nhà máy lọc dầu hàng đầu và các công trình hóa dầu quy mô lớn ở Thượng Hải, Nam Kinh và Yizhen, và hơn 6.000 cửa xả, với 40 tỷ tấn chất thải lỏng công nghiệp được thải ra sông mỗi năm.

Tuy nhiên, 5 năm sau, tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Toàn bộ 8.000 nhà máy gây ô nhiễm cao đã được di dời, 1.361 cầu cảng trái phép được dỡ bỏ hoặc xây dựng lại hoàn toàn. Tất cả các công trình hóa dầu, khu liên hợp gang thép đều được chuyển đổi công nghệ xanh một cách triệt để. Không tìm thấy mảnh đất cằn cỗi dọc theo bờ sông Dương Tử. Tỷ lệ nước chất lượng A của sông tăng từ 82,3% năm 2016 lên 96,3% năm 2020, trong đó chất lượng E giảm từ 3,5% xuống 0. Điều này đạt được nhờ sự phối hợp và lập kế hoạch thống nhất của chính phủ. Để giữ một môi trường phát triển xanh, bền vững cho các thế hệ mai sau, tất cả sự phát triển trong tương lai cần được bảo vệ bởi một luật hệ thống và chặt chẽ.

Như đã đề cập ở trên, Luật Bảo vệ sông Dương Tử cũng rất cần thiết để giúp bảo đảm các nỗ lực quốc gia chống lại biến đổi khí hậu và đáp ứng cam kết của Trung Quốc đối với Hiệp định Khí hậu Paris. Hiệp định này đã đặt ra mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 33,14 tỷ tấn vào năm 2018. Nếu thế giới không ngăn được sự tăng nhanh của nó, nhiệt độ toàn cầu sẽ gây ra nguy hiểm. Trong khi đó, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc chiếm 27,2% tổng lượng khí thải trên thế giới, là nước phát thải lớn nhất cho đến nay. Năm 2020 chứng kiến lượng khí thải giảm 7% trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19, đồng thời kinh tế và du lịch giảm. Trung Quốc cũng giảm 1,4% lượng khí thải. Trước đó, nước này đã giảm 47% lượng khí thải CO2 trên một đơn vị GDP từ năm 2005 đến năm 2017, đạt mục tiêu giảm 45% trước thời hạn vào năm 2020.

Để đáp ứng được cam kết, Trung Quốc sẽ cần sự chuyển đổi rất lớn hướng tới phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ carbon thấp hoặc không có carbon, cũng như nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống lên công nghệ cao trong 10 năm. Do lưu vực sông Dương Tử chiếm gần một nửa tổng nền kinh tế của quốc gia, nên sự phát triển xanh hoặc không có carbon dọc theo lưu vực sẽ có những đóng góp quyết định trong việc đáp ứng mục tiêu quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, bảo vệ sông Dương Tử không chỉ có nghĩa là giữ cho môi trường trong sạch mà còn góp phần tạo ra một con đường mới trong sự phát triển bền vững của Trung Quốc trong các thế hệ tương lai.

Đẩy mạnh bảo tồn sông Dương Tử và ngăn chặn sự phát triển quá mức của nó không có nghĩa là làm chậm lại sự phát triển. Ngược lại, 5 năm qua đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chất lượng cao hơn dọc theo lưu vực sông Dương Tử. Năm 2020, tổng GDP của 11 tỉnh và thành phố dọc theo lưu vực đạt 47,16 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm 46,4% tổng GDP của cả nước, so với 42,3% năm 2015. Riêng khu vực đồng bằng sông Dương Tử (Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang và An Huy) đã chiếm 24%. Lưu vực này chiếm hơn 50% tổng số toàn quốc về công nghệ thông tin - viễn thông, hàng hóa sản xuất cao cấp, vật liệu mới và công nghệ sinh học. Vành đai kinh tế sông Dương Tử cũng tự hào có tám khu thương mại tự do và năm trong số 10 khu phát triển kinh tế quốc gia hàng đầu.

Ước tính, thông qua việc bảo vệ tuyệt vời và phát triển nâng cấp, lưu vực sông Dương Tử sẽ chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2025, hoặc muộn nhất là vào năm 2030.

Thái Anh