Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Nỗ lực 100% đơn vị hành chính cấp huyện về đích

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 06:38 - Chia sẻ
Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 song trong năm 2021, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP. Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thành phố tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, thành phố đặt mục tiêu 100% số đơn vị hành chính cấp huyện về đích NTM trong năm 2022.

100% đơn vị cấp xã "về đích"

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối NTM thành phố Nguyễn Văn Chí, mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, hợp tác của người dân và doanh nghiệp, chương trình xây dựng NTM của thành phố cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến nay, 382/383 xã đã "về đích" (riêng xã Thạch Hòa thuộc huyện Thạch Thất không thực hiện chương trình do nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc), hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra trong năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thành phố trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, là dấu ấn phát triển, tiền đề để thành phố tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng NTM trong chặng đường tiếp theo.

Bên cạnh hoàn thành xây dựng NTM ở đơn vị hành chính cấp xã, việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu cũng đạt được kết quả tích cực. Hà Nội hiện có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã NTM nâng cao. Trong quý IV.2021, Đoàn thẩm định NTM thành phố đã thẩm định, đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đối với 14 xã (4 xã của huyện Đông Anh, 3 xã của huyện Chương Mỹ, 3 xã của huyện Gia Lâm, 2 xã của huyện Hoài Đức, 1 xã của huyện Thanh Trì, 1 xã của huyện Ba Vì). Kết quả, cả 14 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định NTM thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với xây dựng NTM kiểu mẫu, kết quả đánh giá cho thấy cả 5 xã của huyện Đan Phượng (Song Phượng, Tân Hội, Thọ Xuân, Liên Hà, Đan Phượng) đều đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định thành phố xem xét; trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đối với xây dựng huyện NTM, với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, đến cuối năm 2021, cả 4 huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội xem xét, trình Hội đồng Thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.

Đoàn thẩm định kiểm tra thực tế xây dựng nông thôn mới tại các xã

Ảnh: Tường Vy 

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ

Cùng với thành quả vững chắc trong xây dựng NTM, năm 2021, đời sống người dân khu vực nông thôn thủ đô cơ bản ổn định. Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao vượt trội như: Thạch Thất (70 triệu đồng), Hoài Đức (62 triệu đồng), Đan Phượng (61,2 triệu đồng)… Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang... Đời sống người dân ổn định và ngày càng văn minh, hiện đại vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng NTM ở Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2022, bên cạnh duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM tại các huyện, thị và 382 xã đã về đích, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo hai huyện Mỹ Đức và Ba Vì xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa hai địa phương này hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cùng với đó, phấn đấu có 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 là 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020). Ngoài kinh phí trên, thành phố tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương. "Năm 2021, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 383,8 tỷ đồng. Trong đó, quận Tây Hồ 175,8 tỷ đồng, quận Thanh Xuân 75 tỷ đồng, quận Ba Đình 57 tỷ đồng, Hoàn Kiếm 31,9 tỷ đồng... Mong rằng, năm 2022, các quận nội thành sẽ tiếp tục phát huy tinh thần thành thị đỡ nông thôn để hỗ trợ các huyện thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu",  ông Chí chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động khu vực kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Chú trọng hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, phấn đấu tiếp tục nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực, duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM, tránh đầu tư dàn trải để hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiệm cận các tiêu chí phát triển đô thị.  

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội)

Đào Cảnh