Nợ địa phương - bom nổ chậm của quốc gia
Cơ quan kiểm toán Trung Quốc mới đây công bố Kết quả kiểm toán các khoản nợ của chính quyền địa phương trên toàn quốc. Báo báo cho thấy nguy cơ từ các khoản nợ địa phương một lần nữa trở thành những vấn đề cần quan tâm của thị trường.
Theo báo cáo trên, tính đến cuối năm 2010, dư nợ của chính quyền địa phương toàn Trung Quốc là 10.710 tỷ nhân dân tệ (NDT). Mặc dù cơ quan kiểm toán cho rằng các khoản nợ này chưa vượt quá khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương, song nguy cơ tiềm tàng từ những quả bom nổ chậm này đang khiến các cơ quan chức năng Trung Quốc hết sức quan tâm. Tiến sỹ kinh tế học Lạc Gia Xuân của Trung Quốc cho rằng, các khoản nợ trên có thể dẫn đến ba nguy cơ:
![]() Nguồn: toonpool.com |
Thứ nhất, nguy cơ vi phạm nợ. Có phân tích cho rằng, số nợ của các chính quyền địa phương vẫn chưa vượt quá khả năng trả nợ của họ. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các chính quyền địa phương chủ yếu lấy đất đai làm tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, thu nhập từ chuyển nhượng đất đai trở thành nguồn tài chính chủ yếu để trả nợ của các địa phương. Điều này cho thấy việc vay nợ dựa vào thu nhập từ bất động sản. Cùng với việc thị trường bất động sản ở Trung Quốc ngày càng bị thắt chặt, mô hình “tài chính đất đai” (kiếm nguồn lợi nhờ giá đất tăng vọt và bong bóng bất động sản) sẽ khó có thể tiếp tục. “Tài chính đất đai” có ảnh hưởng khá lớn đối với thu nhập của các địa phương. Điều này có nghĩa là nguồn tài chính để trả nợ của chính quyền địa phương tới đây sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái khá lớn, khả năng trả nợ của các địa phương sẽ giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời hạn trả nợ lại quá tập trung, tỷ lệ nợ phải trả của chính quyền địa phương trong giai đoạn từ 2011 đến 2013 lần lượt là 24,49%, 17,17% và 11,37%, tức là hơn 50% các khoản nợ.
Thứ hai, các khoản nợ khổng lồ này có thể gây ra nguy cơ lớn đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện chiếm gần 80% tỷ trọng dư nợ của các chính quyền địa phương. Theo báo cáo của cơ quan thống kê, đến cuối năm 2010, trong tổng số 10.710 tỷ NDT dư nợ của các địa phương, có tới 8.479 tỷ NDT là vay từ ngân hàng, chiếm 79,01%. Trong trường hợp các khoản nợ của địa phương đối mặt với nguy cơ khó thanh toán, chính phủ sẽ buộc phải đứng ra thanh lý các khoản nợ này. Một quyết định như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Mới đây, báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cho biết, sau khi so sánh các số liệu về các khoản nợ địa phương do cơ quan thống kê và Hội giám sát ngân hàng tiến hành, họ phát hiện ra rằng hệ thống ngân hàng đã báo thiếu 3.500 tỷ NDT đối với quy mô nợ của các địa phương. Đây có thể là do cách tính khác nhau, song sự sai lệch trong tính toán này cho thấy hệ thống ngân hàng có thể đứng trước nguy cơ vi phạm tín dụng rất lớn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường trong nước thờ ơ với cổ phiếu ngân hàng. Phân tích từ góc độ này, các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương giống như những quả bom nổ chậm đe dọa hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Thứ ba, các khoản nợ địa phương có thể trở thành các khoản nợ của quốc gia. Một khi nợ của địa phương đối mặt với nguy cơ không thể thanh toán, tác động đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng, chính quyền trung ương sẽ buộc phải ra tay can thiệp bằng cách tái cơ cấu nợ. Kết quả là, quả bom nổ chậm này cuối cùng sẽ được đá sang sân của nhà nước, buộc toàn thể quốc dân phải gánh vác. Rõ ràng, không thể đánh giá thấp nguy cơ từ các khoản nợ của chính quyền địa phương. Một khi nguy cơ này chyển hóa thành nguy cơ nợ quốc gia, chắc chắn nó sẽ tác động tiêu cực tới sự vận hành của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.