Ninh Bình

Phát triển các sản phẩm ocop gắn với tâm linh

- Chủ Nhật, 24/01/2021, 09:34 - Chia sẻ
Nhờ triển khai đúng hướng và bài bản, đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình đã đạt những kết quả tích cực. Không chỉ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, Chương trình còn góp phần thay đổi căn bản phương pháp sản xuất nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Việc tham gia Chương trình OCOP cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất mở rộng thị trường, mạnh dạn tiếp cận thị trường quốc tế.

Đưa cây dược liệu thành sản phẩm OCOP

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện đã và đang hình thành nhiều vùng chuyên canh cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây trà hoa vàng Cúc Phương. Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Vũ Nam Tiến cho biết: Các nhà khoa học đánh giá cao công dụng của giống cây trà hoa vàng Cúc Phương về tính dược liệu. Đây là giống cây quý hiếm có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, giúp điều trị mỡ máu, ung thư, tiểu đường, ổn định huyết áp, chống oxi hóa và lão hóa hiệu quả…

Trước đây, do khai thác tràn lan, tận diệt, giống trà hoa vàng Cúc Phương từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2016, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương”. Đến tháng 2.2019, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia là đơn vị được lựa chọn triển khai đề tài nhân giống giống cây hoa trà vàng tại xóm 4, xã Gia Lâm (huyện Nho Quan). Sau 14 tháng thực hiện đề tài, kết quả vượt xa mong đợi đã đến khi đơn vị nhân giống thành công hơn 4.000 cây con. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống cây dược liệu quý bản địa.

Cùng với nhân giống thành công, tỉnh Ninh Bình cũng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân địa phương trong bảo vệ giống cây quý hiếm này và vận động nhiều hộ chuyển từ khai thác tự nhiên sang trồng để khai thác bền vững. Đến thời điểm này, sản phẩm trà hoa vàng Cúc Phương của người dân đều được Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cam kết bao tiêu toàn bộ với giá trung bình: Nụ hoa (500.000 đồng/kg), hoa (800.000 đồng/kg), búp khô (4.000.000 đồng/kg)… Sau chế biến, các sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá gần 1.500 Euro/kg. “Năm 2020, hai sản phẩm trà hoa vàng Mạn Hảo 30g và 50g đã đăng ký chương trình tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình và đang hướng đến mục tiêu đạt 4 sao”, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vũ Nam Tiến chia sẻ.

Bên cạnh trà hoa vàng, cây nghệ cũng là loại dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Bắt đầu đầu tư máy chế biến tinh bột nghệ từ năm 2009, đến năm 2019, sản phẩm tinh bột nghệ vàng của HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (huyện Yên Sơn) đã được tỉnh Ninh Bình công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đầu tư đúng hướng, sản phẩm của đơn vị đã được thị trường đón nhận. Theo Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh, những sản phẩm dược liệu được tinh chế đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 4 - 5 lần so với những sản phẩm dược liệu thô. Nhiều chủ thể đã mạnh dạn đầu tư lớn nghiên cứu sản phẩm, thay đổi bao bì nhãn mác phù hợp nhu cầu của thị trường. Việc được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất mở rộng thị trường, mạnh dạn tiếp cận thị trường quốc tế.

Gian hàng OCOP của Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia thu hút người tiêu dùng  

Nguồn: Thanh Bình

Nâng tầm giá trị và chất lượng sản phẩm

Nhìn lại hai năm triển khai Chương trình OCOP có thể thấy, chương trình đã tác động tích cực tới các chủ thể có sản phẩm OCOP và chính quyền địa phương. Các chủ thể đã được hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từng bước hoàn thiện và ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều nơi đã quan tâm chú trọng phát triển nhiều sản phẩm mang đậm yếu tố địa phương. Các sản phẩm nông nghiệp đã được nâng cao giá trị sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Để Chương trình OCOP tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng mỗi địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chức năng bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình theo hướng dẫn của Trung ương. Các địa phương có sản phẩm tham gia OCOP chủ động lập kế hoạch xây dựng chương trình cụ thể triển khai gắn với tình hình kinh tế địa phương. Tiếp tục tuyên truyền vận động các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn có năng lực tham gia chương trình OCOP. Sở Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP đặc trưng thế mạnh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời hỗ trợ xây dựng website quảng bá thương hiệu… tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn, đáp ứng đúng Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quy định về quản lý nhãn hiệu OCOP.

Giám đốc Sở NN - PTNT Vũ Nam Tiến cho biết: Tỉnh sẽ tập trung vào 8 nhóm sản phẩm OCOP, bao gồm: Nhóm chè, nhóm thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, nhóm thực phẩm chế biến từ thịt trứng sữa, nhóm thực phẩm chế biến từ gạo ngũ cốc, nhóm thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu… Hiện, Ninh Bình đang phát triển mạnh về du lịch, trọng tâm là du lịch tâm linh với quần thể chùa Bái Đính kết nối với Khu du lịch sinh thái Tràng An. Vì vậy, tỉnh cũng sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch tâm linh nhằm tạo ra lợi thế khác biệt. Thực tế cho thấy, năm 2020, sản phẩm tranh lá Bồ Đề (HTX Sinh Dược) đã đăng ký tham gia OCOP và được người tiêu dùng đón nhận tích cực, trở thành sản phẩm du lịch tâm linh có giá trị cao.

Thanh Bình