Niềm tin trong đại dịch

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 05:58 - Chia sẻ
Là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của loài người, đại dịch Covid-19 gây đảo lộn đời sống kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia, đồng thời lấy đi sinh mạng của hàng triệu người. Đối mặt với dịch bệnh chưa từng có này, chính phủ các nước phải áp dụng những biện pháp chưa có tiền lệ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Niềm tin của người dân vào chính phủ có vai trò thiết yếu với thành công của nỗ lực này.

Thành công của mỗi quốc gia trong phòng, chống dịch phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác tự nguyện của người dân. Người dân càng sẵn sàng tuân thủ các quy định, ủng hộ các giải pháp phòng, chống dịch thì tỷ lệ lây nhiễm càng được hạn chế. Sự tự giác, tự nguyện của người dân cũng giúp cho Chính phủ không phải áp đặt các biện pháp cứng rắn.

Báo cáo Tổng quan Chính phủ 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra, niềm tin vào thể chế là nền tảng cho tính chính đáng của Chính phủ và là yếu tố cốt lõi bảo đảm sự tuân thủ của người dân với các quy định. OECD cũng cho rằng, tình trạng niềm tin suy giảm vào một số Chính phủ trên thế giới chính là rào cản đối với việc triển khai và thực thi chính sách.

Trên thực tế, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thường dẫn đến việc hạn chế một số quyền cơ bản của con người như quyền tự do đi lại, quyền riêng tư. Chính vì vậy, các giải pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao như giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác nhiều hơn của người dân. Những giải pháp này có tác dụng ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế hay tâm lý.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Trong đó, đợt dịch thứ 4 bùng phát trên phạm vi cả nước, gây ảnh hưởng nặng nề với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phạm vi, mức độ và tính chất phức tạp của đợt dịch này nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin của người dân vào Chính phủ. Ngoài việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường độ phủ vaccine thì việc bảo đảm người dân tiếp cận được thông tin, hiểu, ủng hộ các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng.

Nghiên cứu Niềm tin của người dân vào Chính phủ trong đại dịch Covid-19 của người viết đăng trên tạp chí Public Organization Review cho thấy, 50,5% người dân có niềm tin ở mức rất cao và 37,1% người dân có niềm tin ở mức cao vào các giải pháp phòng, chống dịch Chính phủ. Niềm tin này có mối tương quan thuận với mức độ ủng hộ và tuân thủ của người dân với các giải pháp được triển khai từ năm 2020 đến nay như giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giải pháp kích thích kinh tế và các giải pháp phòng, chống dịch.

Như vậy, niềm tin vừa là động lực vừa là mục tiêu của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu Chính phủ tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời duy trì hoạt động kinh tế, niềm tin của người dân vào Chính phủ càng được cải thiện. Nếu người dân có niềm tin vào Chính phủ, họ càng ủng hộ các quy định, giải pháp phòng, chống dịch. Niềm tin này chính là sự tin tưởng vào lời hứa và hành động của Chính phủ trong việc bảo vệ tính mạng của người dân và duy trì động lực cho nền kinh tế.

Khi người dân tin vào Chính phủ, họ sẵn sàng chấp nhận những quyền cơ bản của mình như tự do đi lại bị hạn chế vì lợi ích chung của cộng đồng và lớn hơn là lợi ích quốc gia. Về phần mình, chính quyền các địa phương và trung ương cần sử dụng quyền lực được nhân dân giao phó một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Dù các giải pháp phòng, chống dịch là cần thiết và cấp bách nhưng chúng phải có cơ sở pháp lý và không kéo dài một cách vô định.

Mặt khác, những giải pháp phòng, chống dịch dù có thể có mục đích tốt nhưng nếu không có cơ sở pháp lý, đặc biệt là không phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, không nên và không thể được sử dụng. Đây là đòi hỏi tất yếu ở một nhà nước pháp quyền, trong đó pháp luật được thượng tôn.

TS. Vũ Thanh Vân