Robot tham gia thị trường lao động:

Những vấn đề đặt ra từ góc độ pháp lý?

- Thứ Ba, 24/01/2017, 17:50 - Chia sẻ
Ngày 12.1 vừa qua, tại Brussels (Bỉ), Nghị viện châu Âu (EP) đã đề xuất việc chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho robot tham gia thị trường lao động. Đây sẽ là bộ luật đầu tiên của thế giới về người máy ra đời và cũng là những dấu ấn pháp lý của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR) được giới nghiên cứu luật pháp và dư luận quan tâm.

Robot – một sản phẩm của FIR

Robot là một trong 4 xu hướng phát triển chủ yếu trong lĩnh vực vật lý, nhất là robot cao cấp. Robot cao cấp sẽ được sử dụng nhiều hơn ở nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp cho đến chăm sóc bệnh nhân. Sự phát triển nhanh chóng công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, do tiến bộ công nghệ, robot đang trở nên thích nghi và linh hoạt hơn, với thiết kế và chức năng của nó được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp.

Chú robot đầu tiên ra đời từ năm 1950, tích hợp tính năng điều khiển từ xa, cho đến nay họ hàng nhà robot đã có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực từ giải trí đến dịch vụ; từ y tế đến thể thao; từ phục vụ trong các nhà hàng đến gia đình; từ siêu thị đến các xưởng máy…

Trên thế giới hiện nay đang diễn ra cuộc “chạy đua” sản xuất robot. Theo số liệu của trang The Robot Report, trong 6 tháng đầu năm 2016, 56 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất robot đã huy động được 427,5 triệu USD vốn đầu tư, và 20 thương vụ sát nhập và mua lại được ghi nhận với tổng giá trị lên tới 4,53 tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, giá trị của thị trường robot sẽ đạt 135 tỷ USD vào năm 2019 tới. Theo nhận định của công ty nghiên cứu công nghệ IDC, sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất robot đang diễn ra rất mạnh ở châu Á, nhất là tại Nhật Bản và Trung Quốc - những quốc gia đang nỗ lực tái cơ cấu lĩnh vực chế tạo và nền kinh tế.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu IFI Claims cho thấy số lượng bằng sáng chế liên quan tới công nghệ robot hàng năm đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 35% hồ sơ bằng sáng chế, gấp đôi các đối thủ từ Nhật Bản.

Việt Nam cũng tham gia thị trường robot từ năm 2005, với 30 chuyên gia lập trình, điện tử, cơ khí... của Công ty Cổ phần Robot TOSY Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo TOPIO (phiên bản 2) với chiều cao hơn 2 mét, nặng 60 kg, có khả năng đi lại và chơi bóng bàn. Đây là robot đánh bóng bàn mang hình dáng người đầu tiên và duy nhất trên thế giới hiện nay.

Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

Trong tương lai, công nghệ robot sẽ có sự đổi thay kỳ diệu hơn với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất, nhất là khi trí tuệ nhân tạo được gắn cho robot, khiến cho con người có thể giao tiếp với robot, trở thành một phần của robot, thậm chí robot còn có tính độc lập tương đối, “tự học hỏi nâng cao trình độ”…

Các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra, FIR nói chung và công nghệ robot nói riêng đã và đang tạo ra sự bất công lớn hơn, khi robot thay thế con người trong các hoạt động kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa, khoảng cách giữa tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn và lợi nhuận trên chi phí sức lao động, khiến thị trường lao động truyền thống bị phá vỡ.

Cho tới nay, chúng ta chưa thể dự đoán được khả năng nào sẽ xảy ra, nhưng lịch sử đã cho thấy kết quả thường là sự kết hợp của cả hai viễn cảnh đó. Tuy nhiên, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất.

Sự gia tăng áp lực trên thị trường lao động, bởi nhân tố robot, khiến người lao động sẽ bị phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao được trả lương cao. Khiến những mâu thuẫn trong xã hội hiện đại ngày càng gia tăng lại là do hệ lụy từ thành quả của con người – của quá trình “robot hóa” nền kinh tế.

Theo giới phân tích, một vấn đề kinh tế quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề xã hội lớn nhất liên quan tới FIR đó là sự bất bình đẳng. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính (sáng chế, cổ đông, đầu tư). Khiến cho khoảng cách về sự giàu có giữa những người phụ thuộc vào vốn và những người phụ thuộc vào sức lao động ngày càng doãng ra.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, “FIR sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta” . Nó sẽ làm thay đổi bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, nó đã và đang làm thay đổi sức mạnh của chúng ta và dẫn tới một “cái tôi” nhất định.

Mặc dù, xét về tổng thể, khi robot hóa kinh tế các công việc sẽ an toàn hơn và thu nhập cao hơn sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế dần sức lao động của con người, nhưng lĩnh vực phân phối lợi ích lại nảy sinh mâu thuẫn cả trên bình diện đạo đức và pháp lý.

Như vậy, robot cao cấp, một trong 21 sản phẩm định hình thế giới, phản ánh xu thế lớn của thời đại Công nghiệp 4.0. Việt Nam là quốc gia phát triển trung bình, nhưng do chủ động tích cực hội nhập quốc tế nên sự lan tỏa của FIR là tất yếu. Vì thế, chúng ta cần chủ động nắm bắt thời cơ, vượt thách thức, sớm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển và hạn chế những mâu thuẫn nảy sịnh.

Nguyễn Nhâm