Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh

Những tín hiệu khả quan

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 07:23 - Chia sẻ
Hơn 1.700 bệnh nhân F0 của Bệnh viện dã chiến số 1 được xuất viện, 106 bệnh nhân nặng, nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã hồi phục tốt và chuyển sang trạng thái nhẹ hơn… Những tín hiệu khả quan bước đầu đó, không chỉ là niềm động viên, khích lệ tập thể y bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh mà còn cho thấy tính hiệu quả của chiến lược điều trị “tháp 4 tầng” cùng sự điều phối, chuyển tuyến nhanh chóng, kịp thời.

Nhiều bệnh nhân xuất viện, phục hồi

Đi vào hoạt động từ ngày 26.6, với quy mô 4.500 giường đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến số 1 TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0); đồng thời, chủ động phân loại độ nặng bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến. 

	Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh Nguồn: Bộ Y Tế
Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh
Nguồn: Bộ Y tế

Theo Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Trường, tính đến 20.7, bệnh viện có 4.423 F0 đang điều trị. Từ 27.6 đến nay, số bệnh nhân xuất viện là 1.712, trong đó, có 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng có chỉ số nồng độ virus thấp (CT>=30). Đây là một tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng. 

Tương tự, tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Hồ Chí Minh, dù mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bệnh viện đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận khi “chuyển loại” thành công cho 106 bệnh nhân nặng trở về mức độ vừa và nhẹ (67 bệnh nhân không cần thở oxy, 39 bệnh nhân còn thở oxy gọng kính). Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 Nguyễn Tri Thức nhận định, số lượng bệnh nhân nặng được "chuyển loại" không chỉ thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua, mà còn là sự động viên, khích lệ lớn với tập thể y bác sĩ tại đây. 

Theo TS. Nguyễn Tri Thức, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô 1.000 giường điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, được xem là chốt chặn cao nhất trong công tác điều trị Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 249 bệnh nhân. Trong tuần này, bệnh viện sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân; trong tuần kế tiếp sẽ nâng công suất tiếp nhận lên mức 700 giường và tiếp tục có kế hoạch nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới. 

Mô hình "tháp 4 tầng" tại TP. Hồ Chí Minh trong điều trị Covid-19, bao gồm, tầng 1 là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tầng 2 gồm các bệnh viện điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng hô hấp hoặc bệnh lý nền. Tầng 3 gồm các bệnh viện điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 nặng. Tầng 4 là Trung tâm hồi sức Covid-19 điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 nguy kịch.

Hiệu quả chiến lược "đánh chặn từ xa" 

Theo các chuyên gia y tế, những tín hiệu khả quan bước đầu trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, một phần là nhờ triển khai hiệu quả mô hình "tháp 4 tầng", góp phần ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, giúp bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của bệnh nhân, góp phần tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, tăng thêm khả năng cứu sống các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đây là bước đi kịp thời và phù hợp với tình tình thực tế. 

Dựa trên mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị Covid-19 cùng kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, bác sĩ đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch với chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”. Theo đó, ngày 20.7, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ký văn bản giao cho Trung tâm cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối, vận chuyển người bệnh, giao đúng phân tầng, tránh tình trạng quá tải ảo. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng thành lập đội điều phối để phối hợp với các đơn vị khác trong hệ thống điều trị Covid-19 nhằm trao đổi, hội chẩn, điều phối, chuẩn bị phù hợp trong quá trình chuyển bệnh nhân giữa các tuyến điều trị.

TS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ, tại bệnh viện, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ trực tiếp “cắm chốt” tại 4 bệnh viện ở tầng thứ 2, bao gồm Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Bình Chánh và Bệnh viện Cần Giờ để cùng các bệnh viện này theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các bệnh nhân, nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức chuyển đến “tầng” điều trị phù hợp.

"Điều này sẽ giúp việc chuẩn bị, chỉ định chuyển bệnh phù hợp hơn, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng. Bệnh viện tiếp nhận cũng sẽ chủ động về trang thiết bị, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho nhân viên y tế” - TS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm.

______________________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Dương Cầm