Đọc sách

Những đứa con của nửa đêm

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:48 - Chia sẻ
Salman Rushdie là một trong những nhà tiểu thuyết nổi bật trên thế giới hiện nay, nhiều năm liền ở trong bảng chung kết của giải Nobel văn chương. Là nhà văn Anh gốc Ấn Độ, ông từng lập kỷ lục ở giải Booker: đoạt giải Booker với tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm năm 1981, đoạt tiếp giải Booker of Bookers năm 1993, rồi lại đoạt giải cuốn sách Booker hay nhất mọi thời đại năm 2008.

Bản dịch tiếng Việt được ghi nhận là đã cố gắng ở mức cao nhất. Tuy vậy dịch là mất văn, mà văn là yếu tố giá trị nhất của cuốn tiểu thuyết này.

Không dịch được văn: Rushdie tạo từ mới, tạo cấu trúc câu mới. Tiếng Anh từng có lúc bị nhiều nhà ngôn ngữ Anh - Mỹ coi là xơ cứng, khả năng biểu cảm đã hạn chế, nhưng rồi tiếng Anh đã khởi sắc nhờ có một loạt nhà văn Ấn như Salman Rushdie, Arundhati Roy (Trùm chuyện vặt - The God of Small Things)… Tiếng Anh được gia giảm thêm nhiều sắc thái rực rỡ, sinh động như gia vị Ấn: từ ghép, chơi chữ, tiếng lóng, chiết tự theo kiểu Ấn. Cấu trúc câu cũng được ghép nối, cắt xẻ, tạo ra những nét lạ.

Khi đã không dịch được văn, thì nội dung của những cuốn này hầu như rất đơn giản: ít biến cố, làm mờ biến cố đi để chỉ tập trung vào ngôn ngữ. Cốt truyện vốn đã được giản lược, mà văn dịch khó đạt được sự hấp dẫn, thì bản dịch tất nhiên không còn ma lực như bản gốc.

Nghĩ ngợi thêm với một vài chi tiết:

“Zulfikar là một cái tên nổi tiếng với tín đồ đạo Hồi. Đó là tên thanh gươm hai mũi của Ali, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad. Đó là thứ vũ khí thế giới chưa từng thấy bao giờ” (trang 85).

Ali không chỉ là cháu trai của Muhammad mà còn là người mở đầu cho dòng Shia, một trong hai dòng chính của Hồi giáo.

Tác giả Salman Rushdie có chỗ nhầm, khi nói Ramayana do Valmiki kể, Ganesh chép. Thực ra thì Mahabharata mới là do Ganesh chép, theo lời kể của Vyasa (cái nhầm này cũng giống như có tác giả Việt Nam nào đó viết nhầm là Đoàn Thị Điểm dịch Lục Vân Tiên).

- “Bác sĩ Sahib” (trang 72, 90).

Thực ra Sahib nghĩa là ngài, nên dịch là ngài bác sĩ.

- “Mùa đông băng giá năm ‘48” (trang 122).

Có thể tác giả nhầm? Hình như nó là mùa đông năm ‘47, năm Ấn Độ giành được độc lập, lập tức bị chia cắt thành hai nước Ấn Độ và Pakistan, đồng thời bắt đầu một cuộc di tản lớn bậc nhất ở thế kỷ XX.

- “Shiva vị thần sáng tạo và hủy diệt” (trang 173).

Chỗ này tác giả cũng nhầm, có thể ông là người gốc Ấn sang định cư ở Anh quá lâu rồi. Shiva là thần Hủy diệt và Tái tạo, còn thần Sáng tạo là Brahma.

--- ---

* Những đứa con của nửa đêm, tiểu thuyết của Salman Rushdie, Nham Hoa dịch, Nhã Nam và Hội Nhà văn.

Hồ Anh Thái