Những dấu mốc không thể nào quên

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:16 - Chia sẻ
75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam có hàng trăm sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Nhân kỷ niệm trọng thể ngày lễ lớn này, xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ về những sự kiện trong công cuộc đổi mới - một thời không thể nào quên.

Cơ cấu đại biểu Quốc hội là hiện thân sâu đậm của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Ở Khóa I, việc phân chia cơ cấu thành phần đại biểu còn cô đọng, đơn giản, mang tính tổng hợp, chỉ gồm 4 thành phần, đó là: Không đảng phái; phụ nữ; công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; và dân tộc thiểu số. Trong Quốc hội Khóa I có đại biểu của tất cả vùng, miền; các ngành nghề, sĩ, nông, công, thương; đảng phái, không đảng phái; nam, nữ, các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có 50 đại biểu của Việt quốc và 20 đại biểu của Việt cách không qua bầu cử; đây là sự kiện vừa có tính sách lược (làm dịu tình hình, thể hiện tinh thần đoàn kết), vừa có tính chiến lược (tự họ sẽ phải khẳng định chính họ).

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Kỳ họp Thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Lâm Hiển

Sang Khóa II (bầu cử ngày 8.5.1960, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc được 6 năm), cơ cấu được tách bạch rõ hơn, bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, đảng viên, cán bộ chính trị, dân tộc thiểu số, quân đội, phụ nữ, thanh niên, tôn giáo, đại biểu lưu nhiệm (các đại biểu Khóa I quê ở các tỉnh phía Nam hiện làm việc trên đất Bắc). Từ Khóa III đến Khóa VIII, cơ cấu cơ bản như Khóa II nhưng không còn đại biểu lưu nhiệm. Từ Khóa IX đến Khóa XIV, cơ cấu được phân chia theo nghề nghiệp, lĩnh vực như, nông nghiệp, công nghiệp, luật gia, giáo dục, văn học nghệ thuật; cơ cấu quân đội được thay bằng lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội và công an); trí thức được thay bằng đại học trở lên (theo cấp độ đào tạo); thanh niên thay bằng tuổi trẻ (dưới 40 tuổi); Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thay cho việc kể một số đoàn thể cụ thể; thêm các cơ cấu doanh nghiệp, tự ứng cử; cơ cấu Trung ương, địa phương, đại biểu tham gia lần đầu và tái cử. Nói chung càng về sau, các khóa càng bảo đảm cơ cấu bao quát được khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là chính sách nhất quán, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

Thực ra, ngay từ Quốc dân Đại hội Tân trào với hơn 60 đại biểu, trong cơ cấu đã thể hiện một tinh thần đại đoàn kết. Theo cơ cấu vùng miền thì Nam Bộ có đại biểu Ung Văn Khiêm, Trung Bộ có đại biểu Hoàng Hữu Na, Phạm Ngọc Thạch; cơ cấu đoàn thể có đại biểu Vũ Quang là Thanh niên cứu quốc; cơ cấu nữ có đại biểu Thanh Thúy, Nguyễn Thị Như là Phụ nữ cứu quốc; cơ cấu công nhân có đại biểu Văn Tân là Công nhân cứu quốc; cơ cấu dân tộc ít người có đại biểu Chu Văn Tấn...; đại diện cho nông dân có đại biểu Trần Đức Thịnh; cơ cấu theo đảng phái chính trị thì đảng Dân chủ có nhiều đại biểu, dẫn đầu là đại biểu Dương Đức Hiền; cơ cấu trí thức có Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... Khi ấy, trong điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, đi lại qua các vùng địch kiểm soát gắt gao, hết sức phức tạp và nguy hiểm mà cơ cấu đại biểu thực tế của Đại hội đạt được như vậy là khá tiêu biểu và rất tốt đẹp... Nói cách khác, cơ cấu đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào đã trở thành truyền thống như một “hình mẫu” cho cơ cấu đại biểu Quốc hội sau này, truyền thống của chính sách lâu dài, bền bỉ, đó là đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đổi mới lập pháp - sự kiện ghi đậm dấu ấn

Bước vào công cuộc đổi mới, kinh tế là bước đi đầu tiên. Chúng ta đã từ một nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy (quan liêu, bao cấp) sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước (điều tiết vĩ mô), sau đó đến nay là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự chuyển đổi nền kinh tế như thế, lại với tốc độ nhanh nên hệ thống luật pháp hầu như phải đổi mới hoàn toàn và cũng với tốc độ nhanh chóng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật. Sang Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật. Sang Khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật, Khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật, đến Khóa XIII là 89 luật và Khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020 cũng đã thông qua được khoảng 80 đạo luật. Các đạo luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90 - 95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy.

Có những đạo luật mà xưa nay chúng ta chưa hề tiếp cận, nhưng nay phải làm, như Luật Đầu tư nước ngoài (với những ưu đãi hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư của các nước), Luật Đầu tư trong nước (với những ưu đãi hấp dẫn để có thể huy động được các nguồn vốn của dân cư, của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước). Hai đạo luật này ra đời đi vào cuộc sống lại phát sinh mâu thuẫn, gây nên bất bình đẳng, do đó lại phải thống nhất hai Luật thành một đạo luật bình đẳng giữa đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước. Tiếp đến là Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản (doanh nghiệp)... Đây là những đạo luật mà trước kia trong nền kinh tế kế hoạch hóa chưa hề có. Bởi vậy, phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cùng với đổi mới tư duy kinh tế. Đây cũng là công việc phải vắt óc, phải “lao tâm, khổ tứ”..., nhưng cũng là kỷ niệm, ký ức không thể nào quên của những nhà lập pháp. Nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới đã tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ghi nhớ một hình thức giám sát có hiệu lực và hiệu quả cao

Đó là chất vấn và trả lời chất vấn. Hình thức giám sát này đã được đổi mới qua nhiều giai đoạn khác nhau với mục đích ngày càng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả.

Chỉ tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay (20 năm), Quốc hội đã có ít nhất 3 mô hình hoạt động chất vấn. Mô hình thứ nhất, mỗi kỳ họp có 3 ngày cho hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chọn ra 6 - 8 chức danh bị chất vấn (mỗi ngày từ 2 - 3 người trả lời); đại biểu được hỏi (chất vấn) tự do trong phạm vi quản lý, lãnh đạo của người bị chất vấn; sau khi hỏi thì trả lời luôn.

Mô hình thứ hai, sau khi điều chỉnh lại Nội quy kỳ họp Quốc hội thì số người bị chất vấn chỉ từ 3 - 4 người. Hỏi và trả lời theo nhóm vấn đề đã được xác định; đồng thời quy định thời lượng, hỏi trong 2 phút, trả lời mỗi câu 5 phút (từ cuối Khóa XIII đến nay, hỏi 1 phút, trả lời 3 phút cho mỗi câu). Mô hình này đã đem lại hiệu quả khá cao. Do chất vấn theo nhóm vấn đề nên nhiều vấn đề đi đến được tận cùng và quy được trách nhiệm tương đối rõ đối với người bị chất vấn.

Mô hình thứ ba, tạm gọi là “mô hình sát hạch tổng thể”, có người gọi là mô hình “ba không” đối với chức danh bị chất vấn (không biết mình có bị trả lời không; không biết đại biểu chất vấn điều gì; không rõ thời gian bị trả lời là khi nào). Bởi vậy tất cả những ai trong diện bị chất vấn theo luật định đều phải tập trung tư tưởng, theo dõi sát sao quá trình diễn ra chất vấn. Nội dung của mô hình này là tái chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đã chất vấn trọng nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết, chuyên đề của Khóa XIII. Nội dung “vắt qua” hai nhiệm kỳ thì hầu như tất cả vấn đề kinh tế - xã hội đều đã được chất vấn, nay “cày xới lại”. Đây là một thử thách đối với người bị chất vấn. Mô hình này mới thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XIV (Kỳ họp thứ Mười), nhưng đã đạt được những “kỷ lục” chưa từng có: Một là, người đứng đầu các cơ quan quyền lực nhà nước đều trả lời chất vấn, đó là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Hai là, tất cả thành viên Chính phủ có mặt tại thời điểm bắt đầu chất vấn đều trực tiếp trả lời chất vấn, gồm Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng, trưởng ngành. Ba là, qua hoạt động chất vấn cho thấy rõ những lĩnh vực, vấn đề bức xúc, trách nhiệm của người đứng đầu những lĩnh vực đó và đặt ra mức độ khẩn trương xử lý của ngành, lĩnh vực, của Chính phủ... Bốn là, mức độ hài lòng của đại biểu, của cử tri cao hơn hẳn so với nhiều kỳ chất vấn trước, nhất là đối với một số Bộ trưởng, trưởng ngành, những người nhiều lần phải trả lời chất vấn. Nói một cách tổng quát thì, mô hình này mới được thực thi nhưng hiệu lực và hiệu quả là rõ ràng, và sẽ được chuyển tiếp cho Quốc hội khóa mới.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội