Những dấu ấn vàng son

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:24 - Chia sẻ
​​​​​​​Từ hòm phiếu nhỏ mộc mạc, trang giới thiệu ứng cử viên trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I đã ngả màu thời gian, những bức ảnh đen trắng nhìn không còn rõ nét, đến kỷ vật của các đại biểu nhiều năm gắn bó với nghị trường… hơn 10.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại Phòng truyền thống Quốc hội ghi dấu những trang sử 75 năm của cơ quan đại diện cao nhất, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Phòng truyền thống Quốc hội thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước

Từ những ngày đầu lập hiến

“75 năm trôi qua kể từ ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước 6.1.1946, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động. Mỗi nhiệm kỳ đánh dấu những bước phát triển của Quốc hội Việt Nam. Trong đó, nhiệm kỳ hoạt động dài nhất là Quốc hội Khóa I (1946 - 1960), ngắn nhất là Quốc hội Khóa V (1975 - 1976); có kỳ họp dài 40 ngày, có kỳ họp chỉ vọn vẹn 4 tiếng nhưng đã giải quyết được nhiều công việc trọng đại của đất nước...” - lời giới thiệu của hướng dẫn viên đưa chúng tôi tìm về chặng đường dài lịch sử Quốc hội qua các câu chuyện từ tài liệu, hiện vật.

Trở lại thời điểm vào tháng 9.1945, để bảo vệ nền độc lập non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì Nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được". Và ngay sau khi Quốc hội được bầu ra, kỳ họp đầu tiên - khóa I đã thông qua những quyết sách lớn, thành lập Chính phủ, các cơ quan quan trọng của Quốc hội, thảo luận và bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp.

Thời khắc quan trọng này đã được kể lại trong “Hồi ký về Hiến pháp năm 1946” của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên Vũ Đình Hòe - đại biểu Đảng Dân chủ đi dự Quốc dân đại hội Tân Trào, và là đại biểu Quốc hội Khóa I. Bản viết tay cuốn hồi ký, đang được trưng bày tại Phòng truyền thống Quốc hội, Nhà Quốc hội. Trong đó ông viết: “Đưa khái niệm Hiến pháp và pháp quyền dân chủ vào cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam là sáng kiến lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nó tạo cơ sở pháp lý và làm tăng gấp bội sức mạnh tinh thần cho cuộc vận động. Đối với bên ngoài, dân tộc Việt Nam khẳng định chính nghĩa của phong trào chống chủ nghĩa thực dân, phù hợp xu hướng hòa bình - công lý của Thời đại sau thế chiến thứ nhất; nhờ vậy mà tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới, nhất là của Nhân dân Pháp vốn tự hào về lá cờ nhân quyền và dân quyền tổ tiên đã giương cao. Bên trong thì thể chế hóa những mục tiêu kiến thiết đất nước, đáp ứng khát vọng dân tộc độc lập, tự do - dân sinh hạnh phúc của toàn thể Nhân dân ta, do đó mà động viên và tổ chức được mọi tầng lớp xã hội chiến đấu đến cùng cho Tổ quốc...

Quá trình xây dựng Hiến pháp được tiến hành khẩn trương. Thuyết trình của Tiểu ban Hiến pháp ngày 29.10.1946, do ông Đỗ Đức Dục, thành viên Tiểu ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 đọc tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa I ngày 8.11.1946 nêu rõ: Tiểu ban Hiến pháp do Quốc hội cử ra trong khóa ngày mồng 2.3.1946 gồm có 11 đại biểu đủ các xu hướng chính trị. Bản trình bày này cho biết, công việc xây dựng Hiến pháp được thực hiện khẩn trương, chia làm 2 phần: “Trước hết, chúng tôi thảo luận những nguyên tắc căn bản, nền móng của Hiến pháp. Một khi những nguyên tắc căn bản đó đã tìm ra được thì cuộc thảo luận sau đó thảo luận từng chương, từng mục, từng khoản cứ dựa vào đó nên dễ dàng và mau chóng đi tới kết quả”...

Chiếc áo dân tộc Êđê của ĐBQH Y Ngông Niê Kdăm

Đến Quốc hội thống nhất

Nhiều bức ảnh, tài liệu, hiện vật trong Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Thống nhất đang được lưu giữ và trưng bày cho thấy không khí một thời kỳ đặc biệt của lịch sử đất nước và Quốc hội. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối, nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ. Bởi vậy, vấn đề cấp bách trước mắt là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Để thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 15 - 21.11, tại thành phố Sài Gòn, đại biểu Nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị. Từ Thủ đô XHCN, cùng Đoàn đại biểu miền Bắc tham gia hội nghị này, bà Trần Thị Ân, ĐBQH Khóa IV, V đã phát biểu: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và hoàn toàn nhất trí về những vấn đề cơ bản đã nêu trong hai bản báo cáo chính trị của hai vị trưởng đoàn phân tích tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đề ra nội dung yêu cầu của việc hoàn thành thống nhất Tổ quốc và những biện pháp cụ thể của việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, trước mắt là tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước... Thống nhất Tổ quốc là nguyện vọng, là ý chí, là tình cảm thiết tha của mọi người dân Việt Nam. Thống nhất Tổ quốc cũng là quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam”.

Ngày 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất - Quốc hội Khóa VI được tiến hành, với 98,77% cử tri đi bầu trong cả nước, lựa chọn và bầu 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Kết quả này là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngay trong kỳ họp đầu tiên của Khóa VI, Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất...

Câu chuyện về Quốc hội Khóa VI như được nối dài với tài liệu, hiện vật của các ĐBQH, như ĐBQH Đặng Thị Mãnh, ĐBQH Ngô Bá Thành… Bà Tô Thị Hảo, Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Năm 2016, đoàn sưu tầm đi công tác tại miền Nam và đến gặp bà Đặng Thị Mãnh. Bà nhiệt tình đón tiếp và đưa ra nhiều hiện vật để đoàn chọn lựa những gì liên quan đến Quốc hội, trong đó có giấy đi đường khi ra họp Quốc hội, giấy triệu tập họp Quốc hội, giấy cấp kinh phí cho ĐBQH... Bà nói là đã giữ gìn cẩn thận tất cả kỷ vật liên quan vì rất trân trọng những gì gắn bó khi là ĐBQH”…

Mang theo ý chí, lòng dân

Trong Phòng truyền thống trưng bày lưu giữ bộ trang phục truyền thống của người con Êđê Y Ngông Niê Kdăm, đã gắn bó hơn nửa thế kỷ với hoạt động của Quốc hội 9 khóa liên tiếp, từ Khóa I đến Khóa IX. Cảm xúc những ngày được bầu vào Quốc hội được ông kể chi tiết trong hồi ký: “Pháp ra sức phá hoại cuộc bầu cử, có nơi hòm phiếu bị đập phá, cử tri và cả cán bộ bị bắn chết. Nhưng cuộc bầu cử vẫn thắng lợi. 5 người được giới thiệu, trúng cử 3, trong đó có tôi. Tôi không bao giờ quên được ngày 6.1.1946 ấy. Khi biết mình trúng cử, tôi mừng lắm, nhưng cũng rất lo lắng. Bao nhiêu công việc bộn bề của chính quyền mới, mình lại còn rất trẻ (tôi mới 24 tuổi), chưa có kinh nghiệm lãnh đạo. Kẻ thù thì luôn tìm cách phá hoại chính quyền còn non trẻ, nền kinh tế chúng ta nghèo nàn, người dân còn đói khổ... Bao mối lo toan. Nhưng được dân tín nhiệm cử làm người đại diện cho dân tộc mình, vì dân, tôi tự hứa sẽ tích cực học hỏi để làm cho tốt nhiệm vụ nặng nề này”.

Ở đó cũng lưu giữ bóng hình của bà Âu Thị Lê Thơm, ĐBQH Khóa II của tỉnh Lạng Sơn, với tấm áo được may từ mảnh vải do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhân dịp bà về Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa II, tháng 7.1960; hay áo dân tộc Mông của ông Vừ Mí Kẻ, ĐBQH tỉnh Hà Giang từ Khóa II đến Khóa VII… Đáng chú ý là lá đơn viết tay Tự ứng cử ĐBQH Khóa X mang theo tâm huyết của nữ dân tộc Mông tỉnh Lai Châu Mùa Thị Mỷ. Trúng cử ĐBQH Khóa IX, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, bà đều trèo đèo lội suối rẽ rừng, đến tận các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, mang tiếng nói của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đến với nghị trường. Từ mong muốn, khát khao làm nhiều điều hơn cho bà con vùng sâu, vùng xa, bà Mùa Thị Mỷ đã tự ứng cử và tiếp tục được bầu là ĐBQH Khóa X…

Những thành qủa 75 năm qua của Quốc hội là kết tinh của khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp trí tuệ, tâm huyết của những người con đất Việt từ khắp mọi miền đất nước, các dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ những ngày đầu: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”!

Ngọc Phương