Tổng kết hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021

Những câu hỏi cần suy ngẫm, trả lời

- Thứ Sáu, 09/04/2021, 05:31 - Chia sẻ
Để Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 phát huy hiệu lực lâu dài và thống nhất, không ngừng nâng cao vai trò cơ quan dân cử, sau tổng kết nhiệm kỳ, cần tiếp tục nghiên cứu, đúc kết những vấn đề giúp cho HĐND nhiệm kỳ sau hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, có những câu hỏi cần suy ngẫm, trả lời như: Mô hình tổ chức, hoạt động của HĐND đã đi vào thực tiễn mức độ nào; vì sao càng về cuối nhiệm kỳ, có tình trạng nhiều đại biểu chuyên trách đều chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin chuyển; những tri thức nào từ thực tiễn trở thành tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm chung…?

Hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng

Cơ quan dân cử các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đi dần đến mốc thời gian cuối cùng. HĐND các cấp trong cả nước đã và đang tiếp tục tổ chức tổng kết nhiệm kỳ; một mặt, để báo cáo quyền lực do nhân dân “ủy thác” đã được thực thi, sử dụng như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua; mặt khác, để chia sẻ kinh nghiệm, đúc kết kỹ năng, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của cơ quan dân cử địa phương. Có thể coi tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của HĐND là một hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho một chặng đường mới hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn trong việc phát huy quyền dân chủ sinh hoạt chính trị của toàn dân.

HĐND Huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021
HĐND Huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cũng như mọi hoạt động khoa học khác, khoa học trong hoạt động của HĐND bao gồm một hệ thống tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học hình thành trong quá trình vận động và phát triển. Trong đó, tri thức kinh nghiệm là những kiến thức, kỹ năng cần thiết, những kết quả thành công, không thành công được tích luỹ qua thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND mỗi cấp trong suốt cả nhiệm kỳ; nó được rút ra nhằm giúp tránh lặp lại hạn chế yếu kém ở lần sau chứ chưa thật sự đi sâu vào bản chất, tính chất của cơ quan dân cử. Tri thức khoa học phản ánh bản chất, tính chất hoạt động của HĐND, cũng là những hiểu biết tích luỹ được nhưng nhờ có yếu tố nghiên cứu khoa học trong nhiệm kỳ hoặc thời gian dài hơn; là kết quả thu thập được quá trình vận hành thể chế cơ quan đại diện quyền lực nhân dân ở địa phương chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ cộng hòa vào đời sống.

Như vậy, khi đã coi tổng kết hoạt động HĐND là một hoạt động khoa học thì thường trực HĐND các cấp - cơ quan chủ trì - phải ứng xử khoa học với hoạt động này, không tổ chức hình thức, sơ sài, gây lãng phí thời gian, tài lực của Nhân dân.

Giá trị từ tổng kết thực tiễn

Nghiên cứu một số báo cáo tổng kết của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ cho thấy, ngoài thống kê tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ; các báo cáo dành thời lượng đánh giá những vấn đề chủ yếu thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Nhiều báo cáo tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị khoa học (như Báo cáo của HĐND tỉnh Long An, Lâm Đồng …) chứng tỏ sự am tường thể chế, lòng nhiệt huyết, dày công thu thập phân tích thông tin, so sánh đối chiếu với chính sách, pháp luật trong quá trình xây dựng báo cáo. Các bài học được nhiều báo cáo nhấn mạnh có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐND như: Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; năng lực người đại biểu và nỗ lực của cán bộ HĐND chuyên trách…

Tuy nhiên, những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong báo cáo thường nêu chung chung, không rõ trách nhiệm. Nội dung báo cáo - nhất là các báo cáo của HĐND cấp huyện, cấp xã - dù diễn đạt theo hướng muốn khẳng định địa vị pháp lý và vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng thiếu minh chứng thực tiễn. Chẳng hạn, báo cáo cấp nào cũng nêu HĐND đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhưng kết quả của các quyết định quan trọng đó như thế nào thì lại thiếu dẫn chứng thuyết phục. Các yếu tố khoa học trong báo cáo chiếm hàm lượng thấp, giá trị áp dụng rất ít cho nhiệm kỳ sau - nơi có xấp xỉ gần 70% đại biểu mới tham gia lần đầu, rất cần những kinh nghiệm, kỹ năng đúc kết từ nhiệm kỳ trước.

Có thể nói, 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên kế thừa, phát triển hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) 2015 và một số luật có liên quan. Đây là nhiệm kỳ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Song, đáng tiếc các báo cáo tổng kết hầu như chưa nghiên cứu làm rõ các giá trị từ thực tiễn đối với nội dung quan trọng này theo tư tưởng Hồ Chí Minh:

“Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến lên lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành.”

Tiếp tục quan tâm nghiên cứu

Để Luật TCCQĐP 2015 phát huy hiệu lực lâu dài và thống nhất, không ngừng nâng cao vai trò cơ quan dân cử, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đúc kết những vấn đề giúp cho HĐND nhiệm kỳ sau hoạt động hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước.

Trước hết, phải làm rõ hơn 5 năm qua, mô hình tổ chức, hoạt động của HĐND theo Luật TCCQĐP 2015 đã đi vào thực tiễn mức độ nào, so với Luật Tổ chức HĐND - UBND 2003 có những ưu điểm hạn chế gì? Hiệu quả việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương theo luật định thực hiện ra sao?...

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của HĐND chính là hiệu quả tổng hợp từ chất lượng kỳ họp, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND. Vậy, trong nhiệm kỳ, sau các quyết định, kiến nghị, chất vấn của đại biểu tại các kỳ họp, phiên giải trình; sau hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, Ban HĐND có tạo nên áp lực gì cho UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hay không? Vì sao càng về cuối nhiệm kỳ, có tình trạng nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách đều chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin chuyển, thậm chí có nơi ở HĐND cấp huyện chỉ còn 1 cán bộ chuyên trách?

Thứ ba, những tri thức nào từ thực tiễn tổng kết nhiệm kỳ HĐND trở thành tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm chung có thể phục vụ cho hoạch định chính sách hoặc đưa vào chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp trong cả nước nhiệm kỳ sau?

Đó là những câu hỏi ngắn cần suy ngẫm, trả lời để đánh giá được hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

ThS.Nguyễn Vân Hậu