Kinh tế thế giới năm 2022

Những biến số cần theo dõi

- Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:44 - Chia sẻ
Năm 2022 có phải là năm kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch? Đây là mối quan tâm lớn nhất của nhân loại khi những kỳ nghỉ lễ và lễ hội đầu năm kết thúc.

Sự xuất hiện các biến thể của SARS-CoV-2

Một yếu tố phức tạp là hầu hết các dự báo mới nhất được công bố đều là vào thời điểm trước khi biến thể Omicron càn quét khắp thế giới. Vào thời điểm đó, mọi người đều cảm nhận rõ ràng rằng sự phục hồi thực sự đã đến gần, với việc IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 4,9% trong năm 2022 và OECD ước tính 4,5%. Những con số này thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu khoảng 5% - 6% dự kiến ​​đạt được vào năm 2021, nhưng điều đó thể hiện tiến trình phục hồi không thể đảo ngược khi các nước mở cửa trở lại biên giới và nền kinh sau giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch năm 2020.

Vậy biến thể Omicron sẽ tạo ra sự khác biệt gì đối với tình trạng của nền kinh tế và những dự đoán sẽ sai lệch đến đâu? Chúng ta đã biết rằng, Omicron đã ảnh hưởng lớn đến đợt lễ hội cuối năm 2021 đầu năm 2022, khi các hàng quán của một loạt nước châu Âu phải đóng cửa trở lại; biến thể khiến nhiều người không còn tấp nập du lịch trong kỳ nghỉ. Trong những tháng tới, nền kinh tế thế giới, dưới sự kết hợp của các biện pháp hạn chế gia tăng, sự thận trọng của người tiêu dùng… có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát có thể thấy, biến thể mới có vẻ không nghiêm trọng so với lo ngại ban đầu. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng, các hạn chế được dỡ bỏ nhanh chóng hơn và ảnh hưởng đối với nền kinh tế cũng vừa phải hơn. Ví dụ, Israel và Australia đã nới lỏng các hạn chế mặc dù số lượng trường hợp mắc mới vẫn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, cho đến khi thế giới có thể đạt được tỷ lệ phủ sóng vaccine hoàn hảo, chúng ta cũng không thể biết được, liệu sẽ có một biến thể mới khác gây thêm thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế thế giới hay không.

Trong một dự báo mới nhất về năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Vương quốc Anh dự đoán rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 4% trong năm nay và tổng nền kinh tế thế giới sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 100 nghìn tỷ USD (74 nghìn tỷ bảng Anh).

Câu hỏi lạm phát

Một ẩn số lớn khác là lạm phát. Vào năm 2021, thế giới chứng kiến ​​sự gia tăng đột ngột và mạnh mẽ của lạm phát do tiến trình phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu và những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu xu hướng lạm phát này có chỉ là tạm thời hay không, và các ngân hàng trung ương đang đứng trước áp lực để bảo đảm thế giới không đi vào vòng xoáy lạm phát.

Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều né tránh nâng lãi suất từ ​​mức rất thấp của họ. Riêng Ngân hàng Trung ương Anh đã làm theo lời khuyên của IMF khi tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% vào tháng 12. Mức tăng này là quá ít để kiềm chế lạm phát hoặc tạo ra bất kỳ lợi ích nào ngoài việc làm tăng chi phí vay vốn của các công ty và tăng các khoản thanh toán thế chấp của các hộ gia đình. Điều đó nói rằng, các thị trường đang đặt cược vào khả năng Vương quốc Anh sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất và FED cũng sẽ bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào mùa xuân.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn liên quan đến lạm phát là điều gì sẽ xảy ra với các chương trình nới lỏng định lượng (QE), một công cụ “phi truyền thống” mà qua đó, các NHTW làm tăng cung tiền thông qua các hoạt động mua bán tài sản trên thị trường và làm thay đổi bảng cân đối tài sản của mình. Những năm gần đây, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã tung ra một loạt gói QE nhằm mua 25 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác, bao gồm khoảng 9 nghìn tỷ USD nhằm chống đỡ trước tác động của Covid-19.

Cả FED và ECB vẫn đang tiếp tục tiến hành các chương trình QE và bổ sung tài sản vào bảng cân đối kế toán của họ hàng tháng. FED hiện đang giảm tốc độ mua tài sản của mình với mục tiêu dừng chúng vào tháng 3, gần đây đã thông báo rằng họ có thể đẩy thời hạn kết thúc vào tháng 6. ECB cũng cho biết họ sẽ giảm quy mô QE, nhưng cam kết sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tất nhiên, câu hỏi thực sự là các ngân hàng trung ương này làm gì trong thực tế. Kết thúc QE và tăng lãi suất chắc chắn sẽ cản trở sự phục hồi. Trong báo cáo của mình, CEBR dự đoán rằng ​​thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản sẽ giảm từ 10% đến 25% trong năm 2022. Chúng ta cần chờ xem, những biến động tiềm tàng như vậy liệu có buộc FED và Ngân hàng Trung ương Anh phải ôn hòa hơn một lần nữa - đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ đều trở nên thiếu chắc chắn và đầy rủi ro.

Chính trị và thương mại toàn cầu

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục trong năm 2022. Thỏa thuận "giai đoạn 1" giữa hai quốc gia, trong đó Trung Quốc đã đồng ý tăng mua một số hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên tổng cộng 200 tỷ USD trong năm 2020 và năm 2021 đã trượt mục tiêu khoảng 40% (tính đến cuối tháng 11).

Thỏa thuận hiện đã hết hạn và câu hỏi lớn đối với thương mại quốc tế vào năm 2022 là liệu sẽ có một thỏa thuận “giai đoạn 2” mới hay không. Tuy nhiên, thật khó để lạc quan vào một giả thiết như vậy, bởi mặc dù Tổng thống Donald Trump có thể đã rời nhiệm sở từ lâu, nhưng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn không thân thiện hơn là mấy, không có nhượng bộ đáng chú ý nào được đưa ra cho Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ở những khu vực khác, căng thẳng giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine cùng sự leo thang hơn nữa của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Putin có thể gây ra những hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là do châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Nếu Nga và phương Tây quản lý tốt cuộc khủng hoảng, không đẩy nó đi quá xa và đưa ra càng nhiều cam kết, thì điều đó càng có lợi cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Dù điều gì xảy ra về mặt chính trị, rõ ràng châu Á sẽ rất quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2022. Các nền kinh tế lớn như Anh, Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu đều tăng trưởng thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch tính đến hết quý III năm 2021. Nền kinh tế phát triển duy nhất đã phục hồi tổn thất và lấy lại quy mô trước đại dịch Covid-19 là Mỹ.

Trung Quốc đã quản lý khá tốt dịch bệnh, bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và nền kinh tế của nước này đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ quý II.2020. Một trong những vấn đề của Trung Quốc là phải vật lộn với một thị trường bất động sản mắc nợ quá nhiều, nhưng dường như vấn đề này đã được giải quyết tương đối suôn sẻ. Mặc dù các chuyên gia chưa xác định được quả bom nợ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc trong năm 2022, một số chuyên gia như Morgan Stanley cho rằng xuất khẩu mạnh, các chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp, các biện pháp cứu trợ cho lĩnh vực bất động sản và một cách tiếp cận thoải mái trong giảm thiểu carbon sẽ là sự trình diễn đầy hiệu quả của Trung Quốc trong năm tới.

Đối với Ấn Độ, nền kinh tế từng sụt giảm kép trong thời kỳ đại dịch, đang chứng kiến xu hướng tích cực với mức tăng trưởng dự kiến ​​8,5% trong năm tới. Do đó, châu Á sẽ gánh vác tăng trưởng toàn cầu vào năm 2022 và trọng tâm kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía Đông với tốc độ ngày càng nhanh.

Đạt Quốc Theo The Conversation