G7 cam kết 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới

Như muối bỏ biển

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:06 - Chia sẻ
Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Anh, Canada, Italy, Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ (G7) đang phác thảo kế hoạch nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 vào tháng 12.2022 với việc tung ra 1 tỷ liều vaccine cho thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, con số này quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Cam kết của G7

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Anh từ ngày 11 - 13.6, các nhà lãnh đạo G7 dự định đưa ra cam kết cung cấp thêm ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào năm tới để giúp 80% dân số trưởng thành trên thế giới được tiêm chủng, theo nội dung dự thảo thông cáo chung của Hội nghị được trang Bloomberg tiết lộ. Một thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Anh cũng khẳng định, Hội nghị G7 lần này sẽ chứng kiến những cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trong nhóm để “cùng nhau, chúng ta có thể đạt miễn dịch cộng đồng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022 và đưa mọi hoạt động xã hội trở lại sau đại dịch Covid-19”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp song phương trước khi tham dư Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh - Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp song phương trước khi tham dư Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh
Nguồn: Reuters

Trong số những cam kết này, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ tuyên bố kế hoạch mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ với các nước khác thông qua cơ chế COVAX được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, sáng kiến ra đời nhằm bảo đảm việc phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu. Cụ thể, khoảng 200 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được phân phối trong năm nay thông qua sáng kiến COVAX. Trong nửa đầu năm 2022, số lượng vaccine được Washington mua và chia sẻ là 300 triệu liều. Toàn bộ 500 triệu liều vaccine mua của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) này sẽ được dành cho 92 nước thu nhập thấp và Liên minh châu Phi.

Phát biểu trước khi lên đường đến châu Âu hôm 9.6, ông Joe Biden cho biết sẽ công bố chiến lược vaccine toàn cầu trong chuyến công du này nhưng không tiết lộ chi tiết. Tổng thống Mỹ ngoài việc công bố kế hoạch trên sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo khác làm điều tương tự tại Hội nghị G7.

Không dừng lại ở đó, theo đài CNBC, Mỹ hiện còn thương thảo với Công ty Moderna (Mỹ) về việc cung cấp thêm vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tiến trình đàm phán có thể dẫn đến thỏa thuận với số liều tương tự như với Pfizer - BioNTech (500 triệu liều). Phát ngôn viên của Moderna từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thương thảo nhưng theo Bloomberg, công ty này đang mở rộng năng lực sản xuất để có thể “cho ra lò” 3 tỷ liều vaccine vào năm tới, so với mục tiêu 1 tỷ liều năm nay.

Trước sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Biden dường như đang đẩy mạnh nỗ lực cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước vẫn bị dịch bệnh hoành hành trong bối cảnh hơn 50% người dân nước này đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine.

Trước đó, Thủ tướng Anh Johnson cho biết Vương quốc Anh sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine cho các quốc gia nghèo nhất. “Nhờ thành công của chương trình vaccine, chúng tôi có thể chia sẻ một phần lượng vaccine dự trữ cho những nước cần. Bằng cách này, chúng ta sẽ có bước tiến lớn trong việc đánh bại đại dịch”, ông Johnson nói, theo thông báo do văn phòng của ông công bố.

Trong số 100 triệu liều của Anh, 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình COVAX. Phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các nước có nhu cầu. Ông Johnson cũng kêu gọi các công ty dược phẩm áp dụng mô hình Oxford-AstraZeneca nhằm cung cấp vaccine với giá thành thấp trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU đặt mục tiêu viện trợ ít nhất 100 liều vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình tính đến cuối 2021. Trong đó đã bao gồm cam kết viện trợ 30 triệu liều mỗi bên từ Pháp và Đức, cùng 15 triệu liều từ Italy. Ngoài ra, Pháp tuyên bố viện trợ 184.000 liều AstraZeneca cho Senegal thông qua COVAX.

Nhật Bản cũng khẳng định sẽ viện trợ khoảng 30 triệu liều vaccine sản xuất trong nước thông qua COVAX. Tuần trước, Tokyo đã chuyển cho Đài Loan (Trung Quốc) 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca miễn phí.

Reuters ghi nhận Canada đang đàm phán viện trợ các liều vaccine dư thừa thông qua COVAX, mặc dù nước này chưa công bố bất cứ cam kết nào hoặc tiết lộ kế hoạch viện trợ bao nhiêu.

Cần hành động nhanh hơn

COVAX, chương trình do WHO hậu thuẫn cùng Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), đặt mục tiêu có 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thấp tính đến cuối 2021. Trước những cam kết được đưa ra trong tuần này, mới có khoảng 150 triệu liều được cam kết cho COVAX, thấp hơn rất nhiều so với mức 250 triệu liều cần đạt được tính đến cuối tháng 9 và mục tiêu 1 tỷ liều tính đến cuối năm nay.

Hiện nay, trong số 2,2 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới, khoảng hơn 1/4 được tiêm cho công dân các nước G7 (khoảng 560 triệu liều).

Theo Reuters, một số nhóm vận động đã chỉ trích kế hoạch của G7 và cho rằng nỗ lực ấy chỉ như “hạt cát giữa sa mạc”, khi mà Oxfam ước tính gần 4 tỷ người sẽ phải phụ thuộc vào COVAX.

Chuyên gia Lis Wallace tại Nhóm vận động chống đói nghèo ONE lưu ý: “Với dân số toàn cầu gần 8 tỷ người và hầu hết đều cần tiêm hai liều vaccine, chưa kể các mũi nhắc lại bổ sung (booster), cam kết của G7 đánh dấu một khởi đầu nhưng các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động nhanh và sâu hơn nữa".

Theo nhà hoạt động Lis Wallace, mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine của G7 nên được coi là mức tối thiểu, và lộ trình cần được đẩy nhanh hơn nữa bởi “chúng ta đang trong cuộc chạy đua với loại virus này, và nếu virus càng tồn tại lâu thì nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng tiến bộ toàn cầu sẽ càng lớn”.

Đạt Quốc