Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Nhu cầu cấp bách, cũng là việc lâu dài

- Thứ Ba, 23/11/2021, 19:53 - Chia sẻ
Chuyển đổi số được coi là một trong những bước đột phá để đổi mới căn bản và toàn diện lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: “Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính thời sự, nhu cầu cấp bách nhưng cũng là việc lâu dài. Câu chuyện này không phải làm một sớm một chiều, nhưng phải làm ngay và làm thường xuyên”.

Nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia

Tại Phiên họp của Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh sáng 23.11, các đại biểu đã trao đổi về giải pháp cho chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; góp ý cho Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 tới. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực, chủ trì phiên họp

Đề án được xây dựng nhằm thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ trong phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, hình thức kiểm tra, đánh giá, đưa tương tác, trải nghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu hàng ngày với mỗi người học và mỗi nhà giáo, nâng cao năng lực tự học của người học. Bên cạnh đó, đổi mới căn bản phương thức quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch với dữ liệu, công nghệ số là nền tảng và công cụ quản trị chủ yếu. Đổi mới căn bản phương thức, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học của các cơ sở giáo dục. Đến năm 2030, đổi mới căn bản phương thức dạy và học, hình thức kiểm tra, đánh giá; đổi mới căn bản, đồng bộ hệ thống quản lý giáo dục và đào tạo...

Các thành viên Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực đều nhận định việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết

Tại Phiên họp, các ý kiến đều nhận định việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết; dự thảo Đề án chuẩn bị công phu, đưa ra được những vướng mắc hiện nay và biện pháp khắc phục để chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: “Chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo được ưu tiên, bởi chúng tôi rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, là đầu ra của ngành giáo dục và đào tạo. Chuyển đổi số của ngành phải làm sớm hơn, vì tác động nhiều tới chất lượng đầu ra của giáo dục và đào tạo, lại là nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số quốc gia”.

Ông Lê Đăng Dũng cũng cho rằng, vừa qua, ngành đã bước đầu chuyển đổi số, nhưng còn vụn vặt, nghĩ ra gì thì làm đó như mạng xã hội học tập, cơ sở dữ liệu... Đề án sẽ tạo cơ sở làm tổng thể chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo.

Không ít thách thức

Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ và giáo dục, công nghệ không phải là vấn đề, mà quan trọng nhất là nhận thức và thay đổi thói quen của cán bộ quản lý, giáo viên, nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội.

“Chủ trương chuyển đổi số đã rất rõ, nhưng cơ chế, chính sách chậm, nhất là cấp phép cho cái mới. Nhiều dịch vụ ở Việt Nam chưa có, động đến cái mới chưa có quy định, các bộ, ngành đều nói phải chờ. Nếu chưa có, cần mạnh dạn thử nghiệm, nếu thử nghiệm tốt thì hành lang pháp lý đi theo. Đây là vấn đề vướng không chỉ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn có các bộ ngành khác, phải thúc đẩy mạnh mẽ mới làm được” - ông Lê Đăng Dũng nói.

Các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí

Đồng tình với ý kiến trên, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng góp ý: Từ nay đến năm 2025 chỉ có 4 năm. Do đó, giải pháp thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong dự thảo Đề án cần xác định khung thời gian hoàn thành nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, cần coi trọng sửa đổi văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản pháp luật liên quan đến quản lý của nhiều ngành, quá trình xây dựng và thông qua mất nhiều thời gian.

“Lợi ích của công nghệ thông tin là sử dụng chung, sử dụng lại, sử dụng của nhau. Bởi vậy, nên tập trung giải quyết ở phía con người, học liệu cập nhật, tránh lãng phí”. Đây là ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất: Trong dịch Covid-19, các trường chủ động học trực tuyến. Tuy nhiên, khi triển khai Đề án, cần có sự tập trung thống nhất, tránh chồng chéo. Bộ cần sớm có cơ chế chỉ huy, điều hành, có phân cấp, phân quyền để sau này thuận lợi cho kết nối.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Cho rằng chuyển đổi số hiệu quả nhất, có sức mạnh dữ dội nhất là ở sự kết nối, chia sẻ thông tin, ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: Kết nối thúc đẩy công việc liên quan đến khoa học mở, giáo dục mở là câu chuyện cần quan tâm. Bộ cần đề nghị có những cấp phép mở về sở hữu thông tin. Bên cạnh đó, có giải pháp kiểm soát chất lượng đầu vào của dữ liệu mở trong giáo dục; nâng cao năng lực số của cộng đồng.

Các chuyên gia cũng thống nhất, dự thảo Đề án càng chi tiết, cụ thể thì khi được phê duyệt mới khả thi, đặc biệt làm rõ nguồn lực thực hiện. Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn: Đề án tránh đưa ra các mục tiêu đọc thuyết phục nhưng khó thực hiện về chuyên môn, pháp lý. Kinh phí sẽ là khó khăn lớn nhất, cần quy định cụ thể từ các nguồn: chi cụ thể từ ngân sách của nhà nước, đóng góp từ người học, từ doanh nghiệp...

Công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đứng trước nhiều thách thức. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Chuyển đổi số trong giáo dục, trên cơ sở kết nối và chia sẻ, triển khai được tinh thần của giáo dục mở, khoa học mở, phát triển con người, và không gì khác hai chữ chất lượng. Nếu không có điều đó, chúng ta không làm để làm gì, vì hành trình này vất vả, chi phí cực kỳ tốn kém, nhưng tôi nghĩ không thể khác, công cuộc chuyển đổi số là phải làm... Nếu thực hiện tốt thực sự sẽ là cú hích thay đổi tư duy trong quản trị giáo dục, phương pháp giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học...”.

Ngọc Phương