Nhu cầu bất động sản "hàng hiệu" ngày càng lớn

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:59 - Chia sẻ
Với tốc độ tăng trưởng của giới giàu và siêu giàu Việt Nam đạt 36%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu bất động sản “hàng hiệu” tại Việt Nam là có thật.

Cầu có nhưng cung khan hiếm

Tại tọa đàm “Nhận diện xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản “hàng hiệu” ngày 11.10, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng trưởng của giới giàu và siêu giàu Việt Nam đạt 36%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu bất động sản “hàng hiệu” tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, nguồn cung lại khan hiếm và hầu như không có trên thị trường. Nhiều chủ đầu tư đã và đang lên kế hoạch phát triển bất động sản “hàng hiệu” ở vị trí đẹp nhưng hiện chưa có dự án nào đi vào hoạt động.

		Bất động sản hàng hiệu còn nhiều tiềm năng phát triển Nguồn: ITN
Bất động sản hàng hiệu còn nhiều tiềm năng phát triển
Nguồn: ITN

Lý giải nguyên nhân, theo bà Dung, đây là mô hình mới và cần phải tính toán để có được sản phẩm thực sự đẳng cấp theo đúng định nghĩa “hàng hiệu” để đáp ứng yêu cầu khắt khe của giới giàu, siêu giàu. Bên cạnh đó, rất khó để định vị sản phẩm, làm sao biết được quy mô, giá cả ra sao cho giai đoạn đầu để vừa hợp lý mà vẫn mang lại hiệu quả tối ưu.

Tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam thuộc loại nhanh nhất thế giới cũng  khiến TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tin rằng, nhu cầu bất động sản “hàng hiệu” là điều tất nhiên. Tuy vậy, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này vẫn tăng trưởng chậm.

Theo ông Nghĩa, không phải người dân không có tiền mà là họ chưa quen với cuộc sống trong một khuôn viên chưa đựng tất cả các yếu tố làm việc, nghỉ dưỡng, trí tuệ, thiên nhiên… Mặt khác, chính chủ đầu tư dự án cũng tỏ ra e dè khi phải đầu tư một khoản tiền lớn nhưng rủi ro thanh khoản luôn thường trực. Đặc biệt, nếu nguồn vốn đầu tư được lấy từ các khoản vay ngắn hạn, vay ngân hàng sẽ khiến chủ dự án khó khăn về dòng tiền trong tương lai gần.

Bất động sản "hàng hiệu" là thuật ngữ dùng để chỉ các dự án căn hộ thuộc phân khúc bất động sản hạng sang được kết hợp bởi một đơn vị phát triển bất động sản uy tín và quản lý vận hành một thương hiệu danh giá, thông thường gắn liền với khách sạn dịch vụ tiện ích 5 sao. 

Sớm thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhu cầu bất động sản “hàng hiệu” sẽ tiếp tục phát triển và đại dịch Covid-19 càng khiến nhu cầu này bức thiết hơn. Khả năng sinh lời của phân khúc này chắc chắn có, bởi gắn liền với kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo trì đẳng cấp... Vị trí của phân khúc này cũng đặc biệt, do đó theo thời gian giá trị sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, người mua không chỉ nhắm tới giá trị kinh tế mà còn nhắm tới trải nghiệm, giá trị vô hình này cũng làm tăng giá trị dự án.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, bất động sản “hàng hiệu’’ thường ở trung tâm các thành phố lớn, gần gũi các tầng lớp tinh hoa nên tốc độ tăng giá của bất động sản hàng hiệu cũng “đặc biệt”. Trong điều kiện tại Việt Nam, muốn phân khúc này phát triển hơn, các chủ đầu tư không chỉ phô trương về sự xa xỉ mà cần mang lại thêm nhiều giá trị khác như phòng đọc sách, hòa nhạc, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng. Song song với đó, phải thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, khiến họ thích ở những dự án cao cấp. Phải làm sao để khiến người ở cảm thấy không cần đi đâu xa vẫn có thể nghỉ ngơi, thuận tiện trong công việc, chăm sóc gia đình và đặc biệt có cộng đồng dân cư có nhiều điểm chung.

“Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên chọn khu đất quá xa trung tâm. Nếu sau này muốn hút vốn đầu tư nước ngoài thì có thể nghĩ đến việc phát triển thêm tại các khu vực khác tùy tình hình”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.

Hạnh Nhung