Nhóm ASEAN + 3 và Nhóm châu Á - Thái Bình Dương của IPU họp trực tuyến

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 15:10 - Chia sẻ
Sáng 30.10, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã tham dự cuộc họp trực tuyến của Nhóm ASEAN + 3 và Nhóm châu Á - Thái Bình Dương của IPU (nhóm APG).

Cuộc họp trực tuyến nhóm ASEAN + 3 do Quốc hội Singapore chủ trì tổ chức.

Tham dự có đại diện các Quốc hội thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…  

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông qua biên bản cuộc họp ASEAN + 3 được tổ chức tại Belgrade, Serbia ngày 13.10.2019. Các đại biểu cũng thống nhất bầu Quốc hội Thái Lan đảm nhận vai trò chủ trì cuộc họp ASEAN + 3 tới. Tiếp nhận vai trò chủ trì cuộc họp ASEAN+3 tới, đại diện Quốc hội Thái Lan bày tỏ vinh dự khi đảm nhiệm nhiệm vụ này và cho biết khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Vì vậy, Nhóm ASEAN + 3 cần hợp tác chặt chẽ nhằm đạt được các mục tiêu chung, góp phần duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Đại diện Quốc hội Thái Lan cũng nhấn mạnh, các nghị viện trong khu vực cần ủng hộ nỗ lực của các Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà dự cuộc họp trực tuyến Nhóm ASEAN + 3 và Nhóm châu Á - Thái Bình Dương của IPU

+ Tiếp đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã tham dự cuộc họp trực tuyến của nhóm APG do Quốc hội Philippines chủ trì. Các đại biểu đã nghe các báo cáo của Trưởng nhóm ASEAN + 3, báo cáo tóm tắt của các đại diện APG trong Ban chấp hành IPU và thảo luận việc bầu cử Chủ tịch IPU mới. 

Theo quy định của IPU, ứng viên vị trí Chủ tịch IPU là nghị sỹ đương nhiệm và tiếp tục là nghị sỹ trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch IPU sắp tới (2020 - 2023). Trong lịch sử, Chủ tịch IPU là những nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, có uy tín trong nước và quốc tế, tuân thủ các giá trị và nguyên tắc cốt lõi của IPU; có quan hệ chặt chẽ với các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, các Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và các quan chức cấp cao khác; thông thạo ít nhất một trong các ngôn ngữ chính thức của IPU là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Hiện nay, các ứng viên vị trí Chủ tịch IPU gồm: Thượng Nghị sỹ Pakistan Sadiq Sanjrani; Nghị sỹ Quốc hội Bồ Đào Nha Duarte Pacheco; Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Lập pháp (Hạ viện) Uzbekistan Akmal Saidov và Thượng Nghị sỹ Canada Salma Ataullahjan.

Tại cuộc họp trực tuyến, các đại biểu đã nghe các ứng cử viên lần lượt trình bày cương lĩnh hành động, trong đó nêu bật một số nhiệm vụ trọng tâm nếu các ứng cử viên đắc cử chức Chủ tịch IPU trong nhiệm kỳ tới như: thu hẹp khoảng cách trong khu vực; chống biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục trong khu vực…

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về các vị trí còn trống cần bổ sung của APG cho Ủy ban Trù bị của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5.

Cuộc Họp trực tuyến nhóm ASEAN + 3 và nhóm châu Á - Thái Bình Dương của IPU nhằm chuẩn bị cho phiên họp trực tuyến đặc biệt của Hội đồng Điều hành IPU diễn ra từ ngày 1 - 4.11 tới, thảo luận các vấn đề cấp thiết liên quan đến chức năng hoạt động của IPU. Dự kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp này. 

Thanh Chi